Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa và hội nhập quốc tế. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, các doanh nghiệp chủ động huy động thêm nguồn vốn, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, có những đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến 31/12/2021 toàn tỉnh có 3.860 doanh nghiệp (tăng 77,9% so với năm 2012) tổng sổ vốn đăng ký là 55.139 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước 07 đơn vị (05 doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước, 02 doanh nghiệp có khoảng 40% đến 45% vốn nhà nước/ tổng vốn điều lệ đăng ký), số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả là 2.790 doanh nghiệp bằng 72,28% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh; số lượng doanh nghiệp thành lập mới từ 2012 đến 31/12/2021: 3.311 doanh nghiệp (năm 2021 thành lập mới tăng 92,8% so với năm 2012) với tổng vốn đăng ký: 56.518 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 331 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Tổng số lao động các doanh nghiệp sử dụng là 69.500 người, trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước sử dụng 1.347 lao động. Đội ngũ doanh nhân quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh, khai thác ngày càng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch co cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội theo định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về sự am hiểu pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế, kinh nghiệm quản lý trong kinh doanh, quảng bá sản phấm, tiếp cận thị trường; chưa hiểu biết nhiều về môi trường pháp lý như về lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện về sở hữu trí tuệ, quản lý thuế...Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên trước hết là do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, do nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh mới được quan tâm phát triển, chưa tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm. Việc vận dụng cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn thiếu đồng bộ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống và đào tạo nguồn nhân lực đe phát triển doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phát triển Đảng trong đội ngũ doanh nhân và việc xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chất lượng hoạt động chưa cao.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến 31/12/2025 toàn tỉnh có 5.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả dự kiến khoảng 4.000 doanh nghiệp bằng 77% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới từ 2021-2025 khoảng 2.110 doanh nghiệp (bình quân mỗi năm khoảng 422 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Tổng số lao động các doanh nghiệp sử dụng là 90.000 người, trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước sử dụng 200 lao động, thu hút các dự án trong nước với tống số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 01 tỷ USD vốn FDI. Để đạt được các chỉ tiêu trên, thời gian tới cần tập trung cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức. Tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong doanh nghiệp. Phát triển nguồn lực con người nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động; Tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Huy động các nguồn lực để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp, nhằm phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, làm nòng cốt tổ chức, triển khai các chương trình, dự án đạt hiệu quả./.