DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Xây dựng và nhân rộng tổ tự quản trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh

07/01/2022 00:00
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 01/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư”, 05 năm qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, duy trì và nhân rộng các Tổ tự quản trong cộng đồng dân cư được nâng lên. Hoạt động tự quản ở khu dân cư từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu. Nhiều Tổ tự quản có hiệu quả rõ nét được các cấp, các ngành nhân rộng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các mô hình tự quản tại các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, đánh giá hoạt động các Tổ tự quản trong cộng đồng dân cư; đồng thời lựa chọn những Tổ tự quản hoạt động hiệu quả để nhân rộng, điển hình như các Tổ tự quản về các lĩnh vực: Giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức các lễ hội truyền thống, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,...Đã tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng được 7.503 tổ tự quản ở 100% thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư (có 679 tổ trên lĩnh vực kinh tế, 2.003 tổ trên lĩnh vực văn hoá - xã hội,  3.756 tổ trên lĩnh vực an ninh trật tự, 910 tổ trên lĩnh vực môi trường, 155 tổ ở các lĩnh vực khác), thu hút trên 80% hộ dân tham gia. Thông qua hoạt động của các tổ tự quản nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai hiệu quả đến nhân dân.

Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, việc thành lập và duy trì hoạt động của 3.871 tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn dân cư trong công tác phòng, chống dịch, đã góp phần quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lây lan diện rộng. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát kiểm tra, dân thụ hưởng”, tự nguyện, tự giác, tự phòng, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động của các tổ tự quản ở khu dân cư đã tạo không khí dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giải quyết được nhiều vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn các tổ dân cư tự quản đánh giá chất lượng hoạt động, thẩm định và đề nghị Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ra quyết định công nhận các danh hiệu, khen thưởng đối với các Tổ dân cư tự quản. Một số mô hình tiêu biểu như: “Tổ liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản”, “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Đoạn đường Cựu Chiến binh tự quản”, “Đoạn đường Thanh niên tự quản, “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ xóm văn minh”, “Chi hội Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”,... Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền tham gia công tác tiếp công dân; củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 156 Ban thanh tra nhân dân với 1.734 thành viên; có 161 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.639 thành viên và 2.089 tổ hòa giải với 11.708 hòa giải viên, các tổ hòa giải hoạt động tốt, tham gia hòa giải thành công trên 90% các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ xảy ra ở cộng đồng khu dân cư.

Như vậy, các tổ tự quản là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động đến với các hộ gia đình, với người dân đều thông qua Tổ tự quản. Mô hình tổ tự quản đã phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.