
Tỉnh ta có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 55.322 ha, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 51%; đất nuôi thủy sản 0,17%; đất phi nông nghiệp 12,32%; đất chưa sử dụng chiếm hơn 24%. Tài nguyên đất phong phú cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tốt nên nơi đây hình thành nhiều vùng sinh thái đa dạng, rất thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế đồi rừng, phát triển các loại cây lương thực, công nghiệp, rau quả đặc sản, rau hoa ôn đới, cây ăn quả có múi... Khai thác tiềm năng sẵn có, những năm gần đây, thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp là tạo sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số cây trồng hàng hóa mới đã được đưa vào hệ thống cây trồng của tỉnh, bước đầu hình thành vùng chuyên canh sản xuất lương thực như ngô, mía đường, chè, cây ăn quả... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây màu, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, Ví dụ: vùng mía nguyên liệu khoảng 2.500 ha, vùng chè 2.800 ha, vùng cây ăn quả 10.500 ha, hàng năm trồng mới trên 8.000 ha rừng tập trung và phân tán... Đáng ghi nhận là trong từng vùng sinh thái nông nghiệp, các địa phương đã chủ động lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, có ưu thế để tổ chức sản xuất nhằm khai thác hiệu quả lợi thế từng vùng và tạo ra các loại hàng hóa nông sản đặc trưng, có chất lượng. Có thể nói, sự xuất hiện thuyết phục của các giống cây trồng mới được đánh giá là dấu ấn nổi bật trong sự phát triển toàn diện của kinh tế nông nghiệp những năm vừa qua, khiến diện mạo nông nghiệp - nông thôn của tỉnh thêm phần khởi sắc.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 5 năm (2006-2010), kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã phát triển toàn diện với mức tăng trưởng bình quân 4,75%/năm (vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm tỉnh đề ra cho ngành là 4,2%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2011, vượt qua nhiều thách thức khắc nghiệt, ngành vẫn đạt mức tăng trưởng 3,2%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản tăng 5%; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 183.070 tấn, đạt 104,8% kế hoạch, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2010. Song song với những bước đi của quá trình CNH-HĐH, sự vững vàng và ổn định của kinh tế nông nghiệp tiếp tục chứng tỏ đây vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Trao đổi về định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn trong giai đoạn 2011-2020, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Văn Tứ cho biết thêm: Với quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong đó sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp - nông thôn như: chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo vệ và phát triển rừng; an toàn dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp; kiên cố hóa GTNT... Cụ thể là ưu tiên thực hiện các dự án về an ninh lương thực, đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất mía, phát triển vùng chè, vùng cây ăn quả…