Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa học tập đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Với nhiều hình thức khác nhau các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa học tập. Qua đó đã kịp thời phát hiện, nêu gương các điển hình về công tác khuyến học ở các địa phương như gia đình hiếu học; dòng họ khuyến học; xóm, bản, khu dân cư khuyến học, tuyên truyền về công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là thành tích trong giảng dạy, học tập của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, những tập thể, cá nhân tiêu biểu có những đóng góp tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa học tập. Bên cạnh đó, bằng các hoạt động thiết thực, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác khuyến học tới nhân dân các dân tộc trong tỉnh góp phần làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, quê hương nói chung và đối với đời sống vật chất, tinh thân của cộng đồng, dòng họ và từng gia đình nói riêng. Từ đó có nhiều tập thể, cá nhân tích cực đóng góp, đầu tư cho giáo dục, cải tạo môi trường giáo dục, tăng cường thiết bị dạy học, quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ủng hộ tích cực cho quỹ khuyến học của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào xã hội hóa học tập của tỉnh ngày càng phát triển.
Từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, các cấp ủy Đảng đã luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, MTTQ, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng toàn thể nhân dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. Do đó, công tác này đã có nhiều khởi sắc, nhiều xã, phường, thị trấn xuất hiện các phong trào như phong trào khuyến học tại các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị; phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học đã được các bậc ông bà, cha, mẹ tham gia tích cực. Đặc biệt, từ phong trào khuyến học, khuyến tài đã tuyên truyền, động viên các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em, tạo điều kiện để trẻ em trong độ tuổi đều được đi học. Các xã, phường đã có nhiều biện pháp để huy động trẻ đến lớp; trích quỹ, vận động, giúp đỡ gia đình có con em bỏ học tiếp tục đến trường, từ đó khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học. Trong 5 năm qua, số học sinh bỏ học đã giảm đi 3 lần, đã có hơn 1 vạn lượt học sinh, sinh viên được nhận học bổng và gần 500 ngàn lượt học sinh, sinh viên được khen thưởng với số tiền gần 10 tỷ đồng và nhiều hiện vật. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã vận động nhân dân tham gia hàng ngàn ngày công lao động xây dựng trường học, vệ sinh môi trường học đường; vận động các gia đình tự nguyện hiến hàng chục ngàn m2 đất để xây dựng trường học tiêu biểu như gia đình ông Bùi Văn Nhím xã Phú Cường huyện Tân Lạc đã hiến 3.200 m2 đất; ông Bùi Văn Sòn xã Ngọc Mỹ hiến 3.000 m2 đất; ông Bùi Văn Hựng hiến 750 m2 đất cho các nhà trường. Đồng thời vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 5 tỷ đồng để xây dựng trường và trang thiết bị dạy học. Từ nguồn vốn huy động tiềm năng nội lực, quỹ khuyến học các cấp đã góp phần đầu tư cơ sở, vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Đến nay về cơ sở vật chất trường học toàn tỉnh hiện có 8.508 phòng học, trong đó có 7.212 phòng học kiên cố chiếm 84,8%; 1.115 phòng học bán kiên cố; 181 phòng học tạm; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng đã và đang hoạt động hiệu quả cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh.
Hơn nữa, công tác xây dựng phong trào gia đình hiếu học, cộng đồng, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học cũng được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo. Trên cơ sở đó, hội khuyến học các cấp đã có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện như tổ chức tuyên truyền phổ biến đến hội viên và nhân dân, trong các cuộc họp dân ở khu dân cư, họp chi bộ, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể và trên hệ thống loa truyền thanh...về tiêu chí gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, biểu dương gương người tốt việc tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Cùng với đó, quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo đã tạo điều kiện động viên, khích lệ các em vượt khó trong học tập...Kết quả phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, năm 2007 toàn tỉnh có gần 20.000 gia đình đăng ký phấn đấu trở thành gia đình hiếu học (14.320 gia đình được công nhận), hơn 200 khu dân cư và cơ quan, đơn vị đăng ký khu dân cư hiếu học, đơn vị khuyến học (65 khu dân cư, đơn vị được công nhận). Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, hưởng ứng cuộc vận động đã có 34.032 gia đình, 356 dòng họ, 512 khu dân cư và cơ quan, đơn vị đăng ký. Trong đó có 32.958 gia đình được công nhận gia đình hiếu học, 226 dòng họ được công nhận dòng họ hiếu học và 352 khu dân cư, cơ quan, đơn vị được công nhận cộng đồng khuyến học...
Tuy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại do việc xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung, chưa sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị dẫn đến việc chỉ đạo hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở hiệu quả còn thấp. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội khuyến học cấp xã, các chi hội ở khu dân cư và ban khuyến học ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Số lượt người đi học nhiều nhưng tỷ lệ người học thường xuyên, liên tục, tự giác học chưa nhiều; tình trạng ngại học ngoại ngữ, tin học, ngại tự học, cập nhật kiến thức còn khá phổ biến. Trình độ năng lực của lao động nông thôn còn thấp, nhất là trình độ đội ngũ công chức xã còn bất cập, đội ngũ doanh nhân chưa qua đào tạo cơ bản còn nhiều. Đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài còn nhiều hạn chế; về cơ bản chưa thu hút được những tài năng trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ...
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ đưa nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng xã hội hóa học tập vào chương trình công tác phát triển nguồn nhân lực của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng và thường xuyên đến mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa học tập để làm chuyển biến căn bản nhận thức của mọi đối tượng với việc học thường xuyên và học suốt đời. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hội khuyến học các cấp, nhất là các chi hội khuyến học ở khu dân cư (xóm, bản, tiểu khu), ban khuyến học ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dòng họ...Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học; đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng quỹ khuyến học; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tại các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo kinh phí cho trung tâm hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững...