DetailController

Văn hóa

Xây dựng làng văn hóa góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định kinh tế

10/12/2013 00:00
Những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa ở Hòa Bình đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, có tác động to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của tỉnh, góp phần làm cho kinh tế ổn đinh, đời sống nhân dân được cải thiện. Những chuẩn mực, đạo lý, thuần phong mỹ tục và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn; nếp sống văn minh được phát huy, hạn chế những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan và tệ nạn xã hội; các thiết chế văn hóa từng bước được củng cố và xây dựng.

Theo ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hòa Bình là cái nôi của nền “văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng với các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh có những bước phát triển, quốc phòng an ninh được ổn định và giữ vững, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, tạo thuận lợi thúc đẩy sự nghiệp văn hóa nói chung và phong trào xây dựng làng văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, việc tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng làng văn hóa nói riêng cũng gặp không ít những khó khăn. Các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức; tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến đời sống văn hóa cộng đồng. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế; đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ cơ sở chưa được đào tạo chuyên ngành, phải kiêm nhiệm và biến động nhiều.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa ở Hòa Bình đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, có tác động to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của tỉnh, góp phần làm cho kinh tế ổn đinh, đời sống nhân dân được cải thiện. Những chuẩn mực, đạo lý, thuần phong mỹ tục và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn; nếp sống văn minh được phát huy, hạn chế những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan và tệ nạn xã hội; các thiết chế văn hóa từng bước được củng cố và xây dựng. Đặc biệt, sự tác động của phong trào đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia tạo sứ mạnh tổng hợp, đồng thuận của xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.067 thôn, làng, bản, khu phố, trong 5 năm qua có 8.073 lượt làng văn hóa được công nhận và có 1.470 làng văn hóa 5 năm liên tục. Tính đến thời điểm tháng 10 năm 2013, toàn tỉnh đã công nhận 12.465 lượt làng văn hóa, trong đó có 377 làng văn hóa 9 năm liên tục. Nổi bật trong phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn thời gian qua đã có những tác động tích cực trong cải thiện đời sống kinh tế nói chung, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, đô thị, góp phần đưa Hòa Bình từng bước phát triển. Phong trào đã có tác động tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, thực hiện có hiệu quả nhiều dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, nước sạch nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình đem lại thu nhập cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung; thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế. Điển hình như tiểu khu 5 thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong với mô hình trồng cam, quýt, mía, dịch vụ...tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và tăng thu nhập bình quân lên 35 triệu đồng/người/năm; tổ dân phố số 1 phường Tân Hòa TP Hòa Bình có 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm. Cũng từ năm 2008 đến 2012 có trên 60.000 lượt người được tham gia học nghề, trong đó có 12.000 lao động là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 21,9% (năm 2008) lên 32,2% (năm 2012). Trong 5 năm, toàn tỉnh đã quyên góp được 26.048 triệu đồng và giúp đỡ trên 30.000 ngày công lao động; xây dựng và sửa chữa 1.850 căn nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ có nhà bền vững đạt hơn 70%.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thiết chế nhà văn hóa xóm, bản trên địa bàn tỉnh được thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia. Dưới sự tác động của phong trào xây dựng làng văn hóa đã huy động được sự đóng góp về kinh tế và ngày công của nhân dân, từng bước hoàn thành việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Với mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao đã được xây dựng phần nào tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở phát triển. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, phong tục tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa (phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, lễ hội, trang phục, ẩm thực...) được tăng cường đầu tư nhằm giữ gìn bản sắc những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc giữ gìn môi trường cảnh quan sạch, đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh, chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 90% số dân ở vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; công các phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường được quan tâm. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải đô thị đến nơi quy định đạt 84%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường. Trong đó, tỉnh đã phân giao hơn 22 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại để cải thiện vệ sinh môi trường bằng phương pháp làm bếp khí bioga ở nhiều làng, bản giữ gìn môi trường và tạo chất đốt sinh hoạt cho nhân dân...

Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tuyên truyền, vận động hàng năm có 95% trở lên các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu có 70% trở lên số hộ giữ vững và phát huy danh hiệu gia đình văn hóa. Trong đó có 20% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ; tuyên truyền và vận động hàng năm có từ 95% trở lên làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, phấn đấu có 65% số làng, bản, tổ dân phố giữ vững và phát huy danh hiệu. Trong đó có 15% làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn mới...