DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Xây dựng làng văn hóa: gốc từ đồng thuận nhân dân

18/07/2014 00:00

Theo thông tư số 12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tiêu chuẩn làng văn hóa, thôn văn hóa, làng, thôn văn hóa phải đạt 5 tiêu chuẩn cơ bản về kinh tế - xã hội. Làng văn hóa phải có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, có 80% trở lên hộ gia đình tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.

Khu chăn nuôi lợn của gia đình ông Quách Văn Thầm, thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương sơn

 Tới hết năm 2013, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 8/11 thôn, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, đạt tỷ lệ 83%; trên địa bàn có 85% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thôn Bùi Trám là một thôn tiêu biểu trong số đó.

Gặp trưởng thôn Bùi Trám Bùi Thị Dung trong lúc chị đang bận rộn vừa việc làm vườn, vừa tiếp các chị em phụ nữ trong thôn tới bàn bạc công việc chung mới thấy hết không khí bận rộn, tích cực lao động sản xuất và giúp nhau về vốn, giống tại thôn. Chị Dung cho biết: thôn có 126 hộ, 655 nhân khẩu, do đặc điểm cận địa bàn Hà Nội, những năm gần đây nhiều người về mua đất, các nhà máy mọc lên nên đời sống của nhân dân trong thôn có nhiều cải thiện. Tới nay thu nhập bình quân đầu người của thôn là 15 triệu đồng/người/năm; nhân dân vẫn chủ yếu sống bằng sản xuất nông – lâm nghiệp kết hợp, ngoài ra một bộ phận lao động trẻ đang lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương. Xác định lợi thế gần thủ đô, những năm gần đây người dân thôn Bùi Trám tích cực tập trung trồng rau sạch, chăn nuôi lợn thịt để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trong thôn có nhiều gia đình làm kinh tế giỏi như gia đình ông Quách Văn Thầm: ông Thầm tự vay vốn sản xuất kinh doanh lợn thịt từ năm 1997, gây dựng vốn dần dần, tới nay hàng năm ông xuất 3-4 lứa lợn, mỗi con từ gần 100kg, trong 15 gian chuồng luôn có khoảng 100 con lợn thịt và lợn nái; bên cạnh đó con trai ông là Quách Văn Minh cũng đang là chủ sở hữu của vườn cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng ở tuổi 24. Gia đình ông Đinh Công Qùy trồng gần 4000m2 rau sạch cung cấp ra thị trường….

Điều phấn khởi hơn nữa từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của thôn càng thay đổi theo hướng tích cực. Phong trào xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, từ năm 2011 tới nay, nhà nước và nhân dân đã cùng làm được gần 2000 mét đường giao thông nông thôn. Cụ thể năm 2011 nhà nước và nhân dân cùng xây dựng được 1.500 mét đường bê tông rộng 3 mét; năm 2012 nhà nước đầu tư 200 triệu, dân góp 54 triệu thực hiện kiên cố hóa kênh mương; năm 2013 tự nhân dân vận động đóng góp làm thêm được trên 400 mét đường bê tông 3,5 mét trị giá 180 triệu đồng. Tuy gần các cơ sở sản xuất công nghiệp nhưng thôn vẫn giữ được môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Tuy nhiên, điều khiến chị Dung trăn trở là hiện nay một số thanh niên của thôn chưa có việc làm ổn định. Thôn có trên 80% lao động có việc làm thường xuyên, nhưng chủ yếu làm nông nghiệp và lao động tự do. Một số làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp nhưng phần lớn là lao động nữ, nam thanh niên thất nghiệp khá nhiều. Mong muốn nhà nước, tỉnh có những chính sách đào tạo nghề thiết thực, hỗ trợ cho người nông dân, đặc biệt là thanh niên tại các xã còn ít diện tích đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa- chị Dung chia sẻ.

Tới thôn Bùi Trám hôm nay, hình ảnh đường giao thông sạch đẹp, quang đãng, những nếp nhà gọn gàng núp sau những vườn cây ăn quả, cảm nhận một cuộc sống yên bình. Diện mạo làng quê nông thôn trong thời kỳ đổi mới đang chuyển hướng tích cực nhờ có sự đồng thuận của nhân dân trong công việc chung; xây dựng làng văn hóa, phải xuất phát từ lòng dân./.