DetailController

Tin từ các đơn vị

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội

25/05/2020 00:00
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội Nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 30/5/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế - phấn đấu đưa kinh tế Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020.
Những năm qua nhờ được quan tâm đầu tư, hạ tầng của tỉnh ngày càng hiện đại, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TW và Kế hoạch số 92-KH/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Kế hoạch đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình, ngành mình. Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó để tạo đà cho phát triển kinh tế, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trong 3 năm, từ năm 2017 đến năm 2019, cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhân dân được các cấp, các ngành huy động bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 48.426 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư như đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT, đường tỉnh 433 đoạn Km0-Km23; đường tỉnh 435; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo – Quốc lộ 6, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2, cầu Trắng, thành phố Hòa Bình và đang tiếp tục triển khai đầu tư các công trình đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), theo hình thức đối tác công tư... Ngoài ra nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 10.446,8 km đường bộ, số được bê tông hóa, nhựa hóa, đạt chuẩn chiểm tỷ lệ cao; có 12 bến xe khách và 01 trạm dừng nghỉ đạt chuẩn thuộc 8 huyện, thành phố. Trên địa bàn tỉnh có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa; bên cạnh việc thường xuyên duy tu, bão dưỡng duy trì hoạt động 2 cảng và 28 bến thủy nội địa đảm bảo hoạt động tốt, những năm qua, trên địa bàn tỉnh có thêm 04 cảng được đầu tư xây dựng mới trên sông Bôi bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, nâng số cảng, bến hoạt động trên 2 tuyến đường thủy nội địa lên 32 cảng, bến.

Hệ thống các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư. Đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa và đưa vào hoạt động nhiều công trình đầu mối, kiên cố hoá kênh mương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.995 công trình thủy lợi; 3.739 km kênh mương tưới các loại, trong đó đã kiên cố hóa được 1.820 km, đạt 48,9%, đảm bảo tưới chủ động cho trên 53 nghìn ha cây hàng năm; Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Các nhà máy nước sạch đã và đang được đầu tư nâng công suất cấp nước sạch từ 39.660.000 m3/ngày đêm, lên 45.660.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân.

Hệ thống lưới điện được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; dự án năng lượng nông thôn 2, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và huy động các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng hạ tầng điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Những năm qua, đô thị trung tâm thành phố Hòa Bình và các thị trấn được đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng theo tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều khu dân cư mới, trung tâm thương mại được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó thành phố Hòa Bình đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại II và nâng cấp thị trấn Lương Sơn lên đô thị loại IV.

Việc phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp được đặc biệt quan tâm. Tới nay tỉnh đã hoàn thành việc lập và công bố Quy hoạch chi tiết 08 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.941 ha đất. Trong giai đoạn 3 năm đã giao chủ đầu tư hạ tầng được 01 khu công nghiệp và 04 cụm công nghiệp; khu công nghiệp Lương Sơn và Bờ trái sông Đà đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, đồng bộ, mạng truyền dẫn đã được cáp quang hóa đến 11 huyện, thành phố; đáp ứng phục vụ yêu cầu công việc, giao dịch của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 04 siêu thị, 02 trung tâm thương mại; 93 chợ,  trong đó: 01 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I; 09 chợ hạng II; 83 chợ hạng III. Hạ tầng giáo dục và đào tạo được quan tâm, hằng năm ngân sách tỉnh dành 20% đầu tư cho giáo dục. Mạng lưới hạ tầng y tế được đầu tư khá đồng bộ; đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới khoa Nội và Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa tỉnh. Từng bước đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng về văn hóa.

Nhiệm vụ thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 92, trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời thể chế hóa các chính sách của Trung ương cho phù hợp với tình thực tế của tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường liên kết, hợp tác. Tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, nghiên cứu Đề án hoặc chính sách khuyến khích đầu tư huy động vốn để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chuẩn bị đất sạch phục vụ thu hút đầu tư. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các ngành dịch vụ ưu tiên phát triển, gồm: dịch vụ vận tải; du lịch; giáo dục, y tế; viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại). Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn đầu tư phát triển; tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước nhằm mục tiêu huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế....