Để thực hiện, Ban Dân vận Huyện uỷ phối hợp với Phòng Văn hóa và thông tin huyện; Phòng Dân tộc huyện với Đảng uỷ xã An Lạc và Khối dân vận xã tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội, bộ máy tổ chức và cán bộ xã An Lạc; tổ chức họp bàn và triển khai kế hoạch thành lập ban chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã tổ chức hội diễn ra mắt mô hình điểm "Dân vận khéo" "Giữ gìn phát huy bản sắc dân ca dân tộc Mường" với trên 30 tiết mục của 07 khu dân cư của xã An Lạc và các đơn vị đến giao lưu như xã Khoan Dụ, đặc biệt có xã Bảo Hiệu của huyện Yên Thuỷ cùng tham gia. Hội diễn ra mắt mô hình điểm đã thu hút rất đông bà con nhân dân đến xem và cổ vũ cho các đội. Các tiết mục tham gia với nhiều thể loại như hát Ví, hát Đúm, Rằng Thường, nhạc, sáo, trống, Kèn bè, Cồng chiêng, Mo Mường...Kết thúc, hội diễn đã xuất hiện nhiều tiết mục hay, xuất sắc được lãnh đạo khen thưởng.
Từ mô hình làm điểm tại xã An Lạc, các xã, thị trấn đã chủ động tích cực tham mưu giúp cấp uỷ tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình về "Giữ gìn phát huy bản sắc dân ca dân tộc Mường" tại đơn vị. Đến nay đã triển khai và nhân rộng 8/15 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Mường chiếm 100% kế hoạch, gồm: xã An Lạc, An Bình, Liên Hòa, Hưng Thi, Khoan Dụ, Thanh Nông, Phú Thành, Phú Lão. Kết quả đạt được cho thấy, nhìn chung các cấp uỷ đảng, chính quyền đều quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, nhân dân đồng tình ủng hộ. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho văn hoá dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc trong huyện nói chung thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của huyện nhà.
Thông qua việc triển khai thực hiện mô hình "Giữ gìn phát huy bản sắc dân ca dân tộc Mường" ở cơ sở đã góp phần nâng cao gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân ca dân tộc, phong tục tập quán phù họp với tình hình thực tế của địa phương. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân ca, dân tộc Mường; khích lệ sáng tạo các giá trị, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường. Phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư dân tộc Mường trong việc giữ gìn bản sắc dân ca dân tộc Mường, nền văn hóa đặc sắc của người Mường với những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển như Rằng Thường, hát Ví, hát Đúm, nhạc, sáo, nhị, trống, kèn bè, Cồng chiêng dân tộc Mường.
Vì vậy, từ mô hình làm điểm tại xã An Lạc, huyện Lạc Thủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân tộc Mường; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền như Mo Mường; hát ru, Rằng Thường...,.Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân ca dân tộc Mường tại địa phương, các đơn vị khác trong huyện và các huyện giáp ranh. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Mường trên địa bàn huyện qua các chương trình giao lưu dân ca Mường. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực văn hóa đối với các địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường. Tăng cường đầu tư của ngân sách chính quyền các cấp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt là tại các địa bàn các xã, vùng có đông đồng bào dân tộc Mường.