DetailController

Văn hóa

Xây dựng gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa: Cần song hành giữa chất và lượng

26/10/2011 00:00
CVĐ “Toàn dân ĐKXDĐSVH” là CVĐ rộng lớn, mang tính tổng hợp, bao trùm toàn bộ các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa được xác định là hạt nhân, động lực cho sự phát triển bền vững của toàn bộ CVĐ.
Thực hiện CVĐ “Toàn dân ĐKXDĐSVH”, xã Mai Hạ (Mai Châu) đã huy động nguồn lực nhân dân xây dựng CSHT, thiết chế văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Hơn 10 năm thực hiện (2000 – 2010), CVĐ đã phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu lớn, góp phần xây dựng  môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vững QP-AN, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nếu năm 2000, toàn tỉnh có 78.505 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 51,36%, đến năm 2010 đã tăng lên 149.847 hộ, chiếm 80,3%. Số làng, bản, tổ dân phố văn hóa cũng tăng từ 343 làng, chiếm 21,7% lên 1.421 làng, chiếm 68,3%. Đã có 3.795 lượt cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký phấn đấu đạt văn hóa, 5.210 lượt đã đạt tiêu chuẩn, đạt 82,9%. Từ hiệu quả của CVĐ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 (tiêu chí cũ) xuống 14%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 13,45 triệu đồng. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Mức hưởng thụ văn hóa - văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hủ tục, tập quán lạc hậu dần bị đẩy lùi, xóa bỏ. Công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực không ngừng được đẩy mạnh, nhất là trong  huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết 10 năm CVĐ đã chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ở một số địa phương còn mang tính hình thức, thiếu cụ thể; chất lượng chưa được chú trọng nâng cao, còn hiện tượng chạy theo thành tích. Công tác phối hợp giữa các thành viên BCĐ các cấp chưa thường xuyên; kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Trưởng phòng Phong trào, Sở VH-TT&DL Vũ Văn Đoàn cho rằng, hạn chế lớn chính là BCĐ ở nhiều địa phương chưa ban hành được quy chế hoạt động dẫn đến sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát. Trong khi đó, chạy theo thành tích, chỉ tiêu vẫn là “căn bệnh” khá phổ biến dẫn đến chất lượng một số gia đình, làng, bản văn hóa chưa cao, chưa song hành giữa số lượng và chất lượng. Có những hộ tuy được công nhận là gia đình văn hóa nhưng trong lao động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả còn thấp, nhiều hộ còn nghèo. Một số làng, bản, khu phố văn hóa sau khi được công nhận đã không có biện pháp duy trì và phát huy nên có những giảm sút, vi phạm tiêu chí, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, lãng phí, phô trương, gây phiền hà. Việc chỉ ra hạn chế trong tất cả các báo cáo lại chung chung.

Từ những ý kiến đóng góp xung quanh CVĐ của cán bộ, nhân dân tại cơ sở, năm 2010, thanh tra Sở VH-TT&DL đã tiến hành 2 cuộc thanh tra tại huyện Lương Sơn và Yên Thủy. Chánh thanh tra Trần Quang Trường cho biết: Tại thời điểm thanh tra ở huyện Lương Sơn cho thấy, BCĐ huyện được kiện toàn nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả; sự phối hợp giữa các thành viên chưa chặt chẽ; việc bình xét, khen thưởng, công nhận các danh hiệu văn hóa, hồ sơ đưa ra còn chậm. Tại huyện Yên Thủy, chất lượng các phong trào trong CVĐ chưa đồng đều, chưa thu hút được đông đảo lực lượng đăng ký tham gia.

Theo ông Vũ Văn Đoàn, để thúc đẩy phong trào phát triển về chất cần củng cố, kiện toàn BCĐ các cấp; nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong BCĐ, nhất là cơ quan thường trực. Các BCĐ phải ban hành được quy chế, kế hoạch hoạt động từng năm, từng giai đoạn; chủ động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cơ sở, kịp thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực, chạy đua thành tích. Phát huy ý thức chủ động, tích cực, vai trò tự quản ở cộng đồng dân cư và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Đồng thời phải có kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân chính xác. Trong Quyết định 1610 ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định lại mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đối với vùng miền núi, 50% gia đình được công nhận và giữ vững gia đình văn hóa; 40% làng, bản, tổ dân phố được công nhận và giữ vững tiêu chuẩn văn hóa; 60% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Sở VH-TT&DL đang tích tuyên truyền, phổ biến chủ trương này đến cơ sở nhằm duy trì và nâng cao chất lượng thực của CVĐ.