Hệ thống các Trung tâm học tập cộng đồng không ngừng được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng có những đổi mới trong công tác tổ chức, cập nhật nội dung giảng dạy, hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên nhiều trung tâm học tập cộng đồng đã chủ động tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho trung tâm, chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Trong 15 năm, các Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức được 72.981 lớp với tổng số 4.999.497 lượt người tham gia học tập. Qua đó góp phần củng cố, phát huy hiệu quả công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; giúp người dân nâng cao nhận thức trên các lĩnh vực pháp luật, chăm sóc sức khỏe, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội,… từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kết luận số 413-KL/TU còn một số hạn chế như: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện Kết luận số 413-KL/TU có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nội dung, hình thức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức các chuyên đề, hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng còn ít. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số trung tâm còn thiếu, xuống cấp.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 413-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân với hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, xếp loại các trung tâm học tập cộng đồng; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu. Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách đầu tư các nguồn lực để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương từ đó nhân rộng các mô hình, tạo được sức lan toả mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của trung tâm học tập cộng đồng đối với quán trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các cách làm hay trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Quan tâm lựa chọn cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên của trung tâm học tập cộng đồng đảm bảo các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, có tinh thần trách nhiệm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, tổ chức các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng./.