DetailController

Thời sự trong ngày

Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Tân Lạc” cho sản phẩm Bưởi đỏ của huyện Tân Lạc

14/03/2023 17:00
Trong những năm gần đây, cây có múi nói chung và cây bưởi đỏ nói riêng đã và đang trở thành cây thế mạnh và là lợi thế của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung, mang tính vùng miền như: Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ Lương Sơn... Trong đó, diện tích trồng bưởi khoảng gần 2.000 ha, diện tích bưởi đỏ đạt trên 1.326,6 (ha) được trồng tập trung ở huyện Tân Lạc. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và khai thác giá trị thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình.
Sản phẩm Bưởi đỏ của huyện Tân Lạc đã được chứng nhận OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng

Tân Lạc là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, có quốc lộ 6 chạy qua nối liền các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, quốc lộ 12B nối liền giao thông với các tỉnh phía nam. Với vị trí đó đã tạo cho huyện có điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa với các vùng trên phạm vi cả nước. Huyện Tân Lạc có trên 80% diện tích là núi, độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 300-400 m. Với điều kiện tự nhiên, xã hội ưu đãi, huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới, trong đó nổi tiếng là bưởi đỏ. Bưởi đỏ được coi là cây trồng bản địa quý của huyện, đã xuất hiện từ rất lâu đời, từ đầu những năm chống Mỹ cứu nước và được xem là sản phẩm đặc sản đặc trưng nhất của địa phương mà nơi khác không có. Nét đặc trưng của bưởi đỏ Tân Lạc là có vị ngọt của mía, có vị thanh của hương đất, hương trời và vị thơm đặc trưng mà người dân nơi đây ví von là của những mùa vàng nếp nương. Quả bưởi đỏ hình tròn, khi chín vỏ chuyển sang màu vàng, có khối lượng trung bình từ 700 – 1500 gram, phần cùi có màu hồng đỏ, tép mọng, dễ bóc và rất được thị trường ưa chuộng.

Thực tế cũng cho thấy, sản phẩm bản địa bưởi đỏ Tân Lạc cho chất lượng đặc trương như màu sắc, hương thơm, vị đượm chỉ khi những sản phẩm này được trồng trên vùng đất tại huyện Tân Lạc và điển hình nhất là sản phẩm có nguồn gốc địa lý tại các xã Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú….Đạt được tính chất đặc thù như vậy là nhờ đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu và cả kỹ thuật canh tác bưởi đỏ của người dân Tân Lạc tạo thành những lợi thế đặc trưng mà ở những vùng trồng bưởi khác trong và ngoài tỉnh Hòa Bình khác không thể có được. Tại Tân Lạc, bưởi đỏ được trồng trên đất đồi, đất có tầng canh tác dày, độ phì nhiêu khá, khả năng thoát nước tốt. Đặc biệt, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn làm cho quả bưởi tích lũy được nhiều dưỡng chất thơm, ngon, mang lại chất lượng đặc biệt cho sản phẩm.

Nắm bắt được lợi thế của mình, năm 2013 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tân Lạc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 10-NQ/HU về phát triển sản xuất bưởi đỏ trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 – 2020 nhằm tạo cơ sở pháp lý về chủ trương, chính sách triển khai hiệu quả công tác quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu “Bưởi đỏ Tân Lạc” của tỉnh Hòa Bình hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và phát huy giá trị của sản phẩm bưởi đỏ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tháng 11 năm 2017 tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” cho sản phẩm bưởi đỏ trồng tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Sau 5 năm có thương hiệu, bưởi đỏ Tân Lạc đã phát triển vùng trồng cả về quy mô và diện tích cũng như được đầu tư, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nhờ thế mà hiệu quả sản xuất của người dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, cũng nhờ sự nổi tiếng và giá trị kinh tế cao, nên nhiều thương lái đã lợi dụng và đánh tráo bưởi đỏ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi lấy thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc để bán tràn lan trên thị trường, điều này làm mất uy tín chất lượng của thương hiệu và làm mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm. Bên cạnh đó trong sản xuất và quản lý còn gặp nhiều hạn chế, hầu hết việc ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất mang tính truyền thống, theo kinh nghiệm, người dân chưa thống nhất về quy trình kỹ thuật nên tính đồng đều về mẫu mã sản phẩm còn thấp và chất lượng sản phẩm chưa được ổn định. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có phương án cụ thể trong quản lý tổ chức sản xuất như việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất bưởi đỏ đặc thù; Xây dựng và chuyển giao các quy định về quy trình sản xuất; Hướng dẫn người dân cải tạo và sử dụng giống có chất lượng tốt, sạch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao…Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện nay có rất ít doanh nghiệp lớn, nhưng có khá nhiều các cơ sở thu mua nhỏ, thu gom. Hoạt động thu mua sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đang rất khó kiểm soát, đa phần các cơ sở thu mua có quy mô nhỏ lẻ. Mặt khác, hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa một số cơ sở thu gom nhỏ dẫn đến những bất ổn đối với thị trường tiêu thụ bưởi đỏ. Quan trọng hơn nữa là mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kiểm soát chất lượng và thương mại sản phẩm còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc thiếu sự đồng đều, chưa phát huy hết được giá trị và sản xuất vẫn thiếu tính bền vững. Do đó, để hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa người sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thì công tác quản lý trong thương mại sản phẩm cần được tiến hành thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công cụ quản lý, kiểm soát việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất và thương mại sản phẩm. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp có hướng tiếp cận và giới thiệu sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc ra thị trường với các tiêu chí và thông tin khác nhau, điều này đã và đang dẫn đến việc cung cấp thông tin không đồng nhất về uy tín và chất lượng của sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, làm tổn hại đến danh tiếng của sản phẩm.

Do vậy, để hình thành mối liên kết bền vững giữa sản xuất và thương mại sản phẩm thì cần thiết phải có sự bảo hộ của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc. Khi sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, với hệ thống kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo về chất lượng từ khâu giống, trồng, chăm sóc, thu hái, tiêu thụ đến việc sử dụng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm được nâng cao, ổn định, giúp cho người sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn, đồng thời khi CDĐL đã được thừa nhận và biết đến một cách rộng rãi trên thị trường, nó sẽ là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống không chỉ cho người sản xuất của địa phương mang địa danh, mà còn cho cả những người kinh doanh khác. Đối với người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mang CDĐL thì người tiêu dùng được dùng sản phẩm đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, đúng danh tiếng và chất lượng đặc thù.

Nắm bắt được những điều này, định hướng của UBND huyện Tân Lạc trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển sản phẩm, tăng cường xây dựng thương hiệu cho bưởi đỏ Tân Lạc trên thị trường nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Trong đó, đặc biệt phải xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Tân Lạc” cho sản phẩm bưởi đỏ của huyện Tân Lạc. Khi thực hiện thành công sẽ nâng cao danh tiếng, đảm bảo duy trì sự tín nhiệm của người tiêu dùng, đảm bảo cơ chế quản lý sử dụng CDĐL có hệ thống chặt chẽ, khoa học, hình thành hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm mang CDĐL theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường, chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, nâng cao đời sống của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Với mục tiêu thiết lập được mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm mang CDĐL bưởi đỏ Tân Lạc tỉnh Hòa Bình theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ; từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và người sản xuất, kinh doanh sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc về chỉ dẫn địa lý và sở hữu trí tuệ. Khi thực hiện thành công mô hình này sẽ trở thành mô hình điểm để nhân rộng trong khu vực đã được bảo hộ CDĐL, trở thành mô hình điểm cho việc phát triển các sản phẩm đặc sản tương tự ở các địa phương./.