Suy nghĩ và cách làm của chị đã thành công khi năm đó có trên 10 ca đình sản được thực hiện tại địa bàn 2 xóm, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các xóm khác của xã. Đến nay, cùng với các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại khác, tỷ lệ đình sản nam, nữ của 2 xóm vẫn cao, cụ thể có 2 ca đình sản nam và 19 ca đình sản nữ.
Chị Phùng Thị Huệ sinh ra trong một gia đình đông con, bản thân chị không được học hết THPT do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Lấy chồng, gia đình chồng cũng đông anh em, 2 vợ chồng chị nhận thấy đông con sẽ vất vả về kinh tế và không có điều kiện tốt nhất nuôi dạy, chăm sóc con. Sau khi sinh con thứ 2 được 1 năm, chị quyết định đi đình sản. Chị nhận được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là chồng chị. Chồng là người đã thuyết phục, động viên tinh thần cho chị những ngày trước khi đi. Chị tâm sự: Ban đầu, chị cũng hoang mang nhưng được sự ủng hộ của chồng chị càng quyết tâm hơn. Đến bây giờ, chị cảm thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Anh chị có điều kiện chăm sóc 2 con chu đáo. Kinh tế gia đình giờ đã ổn định, niềm vui luôn ngập tràn trong ngôi nhà mới. Lấy kinh nghiệm từ bản thân, chị cùng với CTV của xóm tuyên truyền vận động mọi người làm theo.
Hai xóm Chao và Nà Khạ có 63 hộ với 275 khẩu, hầu hết là dân tộc Dao, trong đó, số phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng là 56 người. Theo chị Trần Thị Thu Giang, cán bộ chuyên trách DS xã Tây Phong, địa bàn xóm Chao và Nà Khạ nằm cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại vất vả nên kinh tế phát triển không đồng đều như các xóm khác. Tuy nhiên, 2 xóm lại là địa bàn điển hình của xã về công tác dân số. Hơn 10 năm chưa có trường hợp sinh con thứ 3, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại đạt trên 80%. Có được kết quả đó nhờ những nỗ lực của CTV dân số luôn bám sát thực tế, tuyên truyền, vận động kịp thời.
Có kinh nghiệm gần 20 năm làm CTV dân số, chị Bàn Thị Hiền trải qua nhiều khó khăn trong công việc. Từ xóm Chao đến được với xóm Nà Khạ phải đi thêm trên 5 km đường đồi, núi. Để các cặp vợ chồng đều nhận thức được hiệu quả của các BPTT hiện đại và sử dụng, chị đã phải vất vả trong công tác tuyên truyền. Chia sẻ về công việc của mình, chị nói: Có những cặp vợ chồng phải đến 5 - 7 lần để vận động mới đạt được kết quả vì có lúc vợ đồng ý, chồng lại không hay ngược lại... Đó là khó khăn trong vận động bà con áp dụng các BPTT. Bây giờ mọi người đều tự giác nên công việc của CTV dân số là tập trung vào tuyên truyền về chiến dịch CSSKSS nhằm nâng cao ý thức của người dân về SKSS/KHHGĐ.