DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Xã Lỗ Sơn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả lâu năm

30/03/2017 00:00
Những năm gần đây, nhận thấy cây ăn quả là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ vườn tạp trồng bưởi, cam, xoài, mít… là những cây trồng có giá trị kinh tế. Đây cũng là hướng đi quan trọng đối với xã nhằm phát triển vùng cây ăn quả quy mô lớn. Anh Vũ Văn Hợi ở xóm Tân Sơn cải tạo hơn 1 ha vườn tạp trồng gần 1.000 cây bưởi đỏ và cam Canh. Nhờ chăm sóc tốt, vườn cây đem lại giá trị kinh tế cao. Lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng bưởi, anh thả gà và nuôi lợn thịt để nâng cao thu nhập.
Gia đình anh Vũ Văn Hợi, xóm Tân Sơn, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) cải tạo gần 2 ha đất vườn trồng cây ăn quả lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao.

 

  Anh Nguyễn Văn Thanh, xóm Tân Sơn cải tạo hơn 8.000 m2 đất đồi để trồng bưởi đỏ và bưởi da xanh. Được hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc tốt, vườn bưởi của gia đình anh được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, tư thương vào thu mua tận vườn. Với giá bán trung bình từ 27.000 – 40.000 đồng / quả,  gia đình anh Thanh đã thu về hàng chục triệu đồng.  

Đồng chí Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lỗ Sơn là xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây lúa, người dân trông chờ vào cây mía trắng nguyên liệu và kinh tế rừng. Những năm gần đây, để tạo  bước đột phá về kinh tế, xã vận động bà con cải tạo toàn bộ diện tích đất vườn, đất đồi chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm. Đến nay, toàn xã cải tạo được hơn 30 ha. Mới chuyển đổi nhưng cây ăn quả đã khẳng định được giá trị kinh tế, đảm bảo thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng / năm. Chính vì vậy, xã dự kiến quy hoạch 100 ha cây ăn quả. Trong đó chủ yếu là bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam,  mít Thái Lan, xoài Thái… Để phát huy giá trị kinh tế vườn đồi, xã phối hợp với các ngành bồi dưỡng kiến thức KH -KT cho nông dân; tăng cường công tác bảo vệ thực vật, cung cấp giống đạt chuẩn và chú trọng liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, sau khi đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Sơn La, các hộ nông dân đã liên kết với doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương đưa cây xoài Thái vào trồng thử và có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.  

Để phát triển sản xuất, nhiều hộ nông dân ở xã Lỗ Sơn mong muốn tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Cụ thể là Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hỗ trợ được thực hiện 1 lần bằng tiền, sau đầu tư sản xuất cho đối tượng thuộc phạm vi quy định trồng mới có tổng diện tích từ 2 ha trở lên: Đối với cam, quýt, bưởi 10 triệuđồng /ha năm thứ nhất, 10 triệu đồng /ha năm thứ hai. Đối với sản xuất rau an toàn có hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm 10 triệu đồng /ha. Quyết định được xem như đòn bẩy quan trọng nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi áp dụng phải linh hoạt thì mới có hiệu quả. Cụ thể cần điều chỉnh lại tiêu chí diện tích trồng từ 2 ha đất vườn, bởi là xã miền núi với hơn 70% đất đồi rừng để gom được 2 ha đất vườn không hề đơn giản. Mặt khác, tiêu chí liên kết các hộ liền kề cũng rất khó tiếp cận khi quy định toàn bộ đất liền kề cũng phải là đất vườn và không có đường chạy qua hoặc phải cùng trồng một loại cây ăn quả. Thực tế, rất ít hộ đáp ứng được tiêu chí này.   

Qua trao đổi, nhiều hộ dân khẳng định, đối với trồng cây ăn quả, 3 năm kiến thiết đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Sự hỗ trợ thêm của Nhà nước dù nhỏ nhưng rất quý, giúp người nông dân trong quá trình khởi nghiệp. Với yêu cầu là đất vườn từ 2 ha trở lên thì thực tế rất ít hộ tiếp cận được chính sách hỗ trợ này. Đến nay, này cả xã mới có 2 hộ liền kề được hỗ trợ 20 triệu đồng năm đầu tiên. Xã đã vận động nhân dân thành lập tổ liên kết sản xuất từ 8 - 10 hộ trồng cây ăn quả trên đất vườn. Tuy nhiên, nhóm sản xuất cũng không được hỗ trợ.