Lâm Sơn hiện là xã có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất toàn tỉnh. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do phong tục tập quán còn nặng nề, coi trọng nam hơn nữ, người đàn ông phải là trụ cột gia đình, trong gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường, lo việc thờ cúng, con gái lập gia đình thì theo chồng và phải lo công việc cho nhà chồng, con phải mang họ cha... Đồng thời, khi thực hiện chính sách về DS-KHHGĐ và đời sống người dân nâng lên, mỗi gia đình lại luôn cân nhắc hơn việc lựa chọn giới tính khi sinh con. Điều đó lý giải vì sao không ít gia đình đã lạm dụng tiến bộ khoa học, nhờ vào siêu âm chẩn đoán để xác định giới tính mong muốn có được con trai.
Chị Hoàng Thị Hằng, xóm Rổng Tằm tâm sự: Tôi mang thai lần thứ 2 được 4 tháng rồi, cháu đầu là con gái nên lần này mang thai vợ chồng tôi cũng rất lo lắng, không biết có đẻ được con trai hay không vì chồng tôi là con cả trong gia đình.
Tìm hiểu thêm, được biết, những năm trước đây, trước sức ép về gia tăng dân số quá nhanh, xã mới chỉ chú trọng tới việc làm sao để khống chế tốc độ gia tăng dân số tự nhiên, chưa chú trọng tới truyền thông về bình đẳng giới. Do vậy, người dân chưa thực sự ý thức về mức độ ảnh hưởng cho tương lai do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác dân số mới chỉ chủ yếu tập trung tác động vào phụ nữ. Do vậy, tỷ lệ nam giới thực hiện các biện pháp KHHGĐ chưa cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trạm trưởng trạm y tế xã Lâm Sơn cho biết: Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền cho chị em về vấn đề bình đẳng giới nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ. Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ để có kế hoạch khắc phục mọi yếu kém, kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng sinh nhiều con.
Ngoài ra, cần đưa các nội dung về bình đẳng giới vào tiêu chí gia đình văn hóa trong hương ước, quy ước hoặc thỏa ước tập thể. Đồng thời, có chính sách khích lệ đối với các gia đình sinh con gái có thành tích trong xây dựng gia đình văn hóa, các em gái có thành tích học tập tốt. Có chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng và chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là những người già không nơi nương tựa, những người sinh con một bề là gái đã hết tuổi lao động.
Để thực hiện có hiệu quả chiến lược cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Lâm Sơn, đòi hỏi các biện pháp can thiệp phải mang tính bền vững và lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế xã rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể để từng bước khống chế, kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng dân số, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.