Chúng tôi đã có mặt tại Khoa Sản và Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua trao đổi với BSCKI Phạm Thị Thoa - Trưởng khoa sản được biết: Bệnh nhân là Nguyễn Thị Thìn - 40 tuổi, thường trú tại xã Hợp Châu - huyện Lương Sơn. Bệnh nhân vào viện lúc 11h ngày 13/4/2017, do bệnh nhân đi thăm chị gái ở Thành phố Hòa Bình, trên đường đi thì trở dạ và được đưa thẳng vào khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, bệnh nhân mới đến tầng I của Khoa Nhi thì trở dạ, sản phụ chưa được các y, bác sỹ thăm khám và chưa làm các thủ tục nhập viện. Do trở dạ quá nhanh nên sản phụ đã được các y, bác sỹ khoa Nhi kịp thời giúp đỡ, đồng thời cán bộ Khoa Nhi đã gọi cho y, bác sỹ khoa Sản cùng phối hợp giúp cho sản phụ "mẹ tròn con vuông". Chị Thìn đã sinh được một cháu trai 3kg, không dị tật bẩm sinh. Sau khi cắt rốn cho bé, cả chị Thìn và cháu bé đã nhanh chóng được đưa đến khoa Sản để trí các bước tiếp theo như: kiểm tra toàn trạng của sản phụ, vệ sinh ủ ấm cho bé…
Chúng tôi cũng có cuộc trao đổi với Điều dưỡng Đinh Thị Hằng - Khoa Nhi BVĐK tỉnh được biết: Chị Hằng và chị Thoa là hai "bà đỡ" có mặt đầu tiên giúp cho con trai của chị Thìn không bị rơi xuống sàn nhà. Bởi lúc đó sản phụ đang ngồi trên ghế nhưng đầu cháu bé đã bắt đầu thò ra ngoài. Lúc đó do tình huống quá nhanh, Điều dưỡng Hằng cùng đồng nghiệp thực hiện hoàn toàn theo phản xạ tự nhiên và cần xử lý một cách nhanh nhất để giúp cho sản phụ và cháu bé được an toàn, thậm chí các y, bác sỹ, các điều dưỡng không kịp đeo bao tay, không kịp dùng bình phong để che cho cuộc đẻ của sản phụ.
Có thể nói, trong một thời gian rất ngắn các bác sỹ, điều dưỡng của hai khoa: Khoa Sản và Khoa Nhi bằng mọi cố gắng của mình đã giúp cho sản phụ và cháu bé được an toàn. Sau khi được hỏi, những cán bộ y tế trực tiếp và các nhân viên khác của khoa tham gia hỗ trợ cho ca đẻ của chị Thìn, ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc, vì họ đã làm được một việc rất ý nghĩa. Và có những việc như sau khi chị Thìn sinh con xong do không có sự chuẩn bị trước nên cán bộ của hai Khoa lại lo đi xin đồ của các bệnh nhân khác để mặc và quấn cho cả mẹ và con chị Thìn. Tình cảm đó đã nói lên rằng: Cán bộ của Ngành y tế Bệnh viện, bên cạnh trách nhiệm của mình họ trong công việc họ cũng rất quan tâm đến bệnh nhân, những người mà rất cần sự giúp đỡ từ những người được ví "Lương y như từ mẫu".
Qua sự việc trên có thể khẳng định: Việc sản phụ đẻ rơi tại bệnh viện nguyên nhân không phải do lỗi từ cán bộ y tế của bệnh viện như một số người vẫn nghĩ. Qua thực tế, nhiều sản phụ vẫn nhầm lẫn việc khám thai và việc đi siêu âm. Họ nghĩ rằng việc khám thai và siêu âm là giống nhau nên nhiều người chủ quan, họ tin vào dự kiến ngày sinh và những thông tin từ việc siêu âm nên không cần đi khám thai để được cán bộ y tế cho những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, về việc chăm sóc thai sản trong cả quá trình mang thai… do đó, trở lại việc chị Thìn đẻ rơi con tại Bệnh viện. Qua kết quả siêu âm 3 tháng đầu, tính đến thời điểm chị sinh con đã được 39 tuần, nhưng theo dự kiến chưa đến ngày sinh nên chị vẫn đi lên nhà chị gái chơi. Mặt khác, chị là người có tiền sử sinh con dễ (trước đó chị đã sinh con) nên mới xảy ra việc như đã nói ở trên.
Qua việc cán bộ y tế tại 2 khoa: Sản và Nhi đã kịp thời giúp cho sản phụ đẻ rơi tại bệnh viện và không để tai biến xảy ra nên Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khen thưởng cho Nữ hộ sinh khoa sản gồm các đồng chí: Quách Thị Yến; Nguyễn Kiều Hồng Phạm Thùy Anh và các Điều dưỡng Khoa Nhi gồm các đồng chí: Đinh Thị Hằng, Bùi Thị Thu Hoài, Hồ Thanh Huyền, Phạm Kim Thoa.