Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông 2023 đạt 9.468 ha, trong đó cây ngô diện tích 4.100 ha, năng suất 40,2 tạ/ha, sản lượng 16.466 tấn. Cơ cấu giống tập trung một số giống ngô nếp, ngô ngọt phục vụ ăn tươi và phục vụ chế biến cho thời gian cho thu hoạch nhanh như HN68, HN88, HN90, Golden Cob, Hibrix 53... Một số giống ngô lai ngắn ngày, năng suất được trồng lấy hạt hoặc lấy sinh khối như NK66, NK6326, P4199, DK9911, LVN4, NK4300,... Cây rau đậu các loại: tổng diện tích gieo trồng 3.511 ha, năng suất 139,8 tạ/ha, sản lượng 49.079 tấn. Một số vùng sản xuất điển hình như: Sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, khoai tây tại Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy; sản xuất rau các loại Bắp cải, su hào, súp lơ, đậu cove trên đất sản xuất tại Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy... Một số khu vực đã hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất rau. Khoai lang diện tích 1.069 ha, năng suất 56,18 tạ/ha, sản lượng 6.008 tấn; khoai tây diện tích 109.6ha, năng suất 104,3 tạ/ha, sản lượng 1.142 tấn; đậu tương diện tích 20,2 ha, năng suất 15,9 tạ/ha, sản lượng 32,2 tấn; cây lạc 29,5 ha, năng suất 16,2 tạ/ha, sản lượng 47,9 tấn.
Vụ Mùa, Hè thu năm 2024 diễn ra thuận lợi, công tác chỉ đạo được thực hiện tập trung, sớm hơn so với cùng kỳ 7 - 10 ngày. Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina, lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất. Với dự báo trên có một số nhận định như bố trí tăng diện tích và đẩy sớm tiến độ sản xuất cây trồng vụ Đông ưa ấm như ngô, ngô sinh khối, cây họ đậu, ớt. Một số khu vực sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra ngập úng cục bộ, cần có các biện pháp tiêu úng khi cần xảy ra mưa lớn đầu vụ.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương chủ động rà soát quỹ đất, thời vụ gieo trồng của từng loại cây, tập quán canh tác để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông hiệu quả; mở rộng diện tích cây vụ Đông trên đất sản xuất lúa mùa trà sớm và đa dạng hóa các loại cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Toàn tỉnh phấn đấu vụ Đông 2024 gieo trồng khoảng 9,07 nghìn ha cây vụ đông, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô khoảng 3,3 nghìn ha tập trung tại các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy) bao gồm cả ngô sinh khối trồng dùng để chăn nuôi. Trong đó tiếp tục duy trì từ 2.000 - 2.500 ha diện tích trên đất 2 lúa; đất đang trong giai đoạn luân canh cây trồng để tái canh cây có múi. Sử dụng giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và ngô nếp, ngô ngọt có năng suất và phẩm chất cao, có liên kết tiêu thụ ổn định. Khoai lang đạt khoảng 1,08 nghìn ha, rau đậu các loại đạt 3,78 nghìn ha (tập trung tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình, Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ), trong đó tập trung vào một cố loại rau có thế mạnh như các loại rau họ thập; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; tăng diện tích các loại rau bản địa như tỏi tía, cải mèo. Đối với nhóm cây ưa ấm (cây ngô, lạc, đậu tương) kết thúc thời vụ gieo trồng trước 05/10, với ngô sinh khối có thể gieo đến 20/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11; đối với nhóm rau ăn lá cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa tụt giá. Tăng cường thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng đảm bảo tưới - tiêu chủ động, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất lúa trồng cây màu vụ Đông. Chủ động lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác xây dựng các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Chủ động kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất vụ Đông./.