Sau khi thí điểm thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, trong Hội nghị Katoomba Đông Nam Á 2010 khai mạc hôm nay, 23-6, tại Hà Nội, mô hình của Việt Nam trở thành điển hình được nhiều nước quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện rừng ở Việt Nam có tác động trực tiếp đến đời sống của khoảng 25 triệu người trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) là một trong những hướng đi quan trọng thực hiện mục tiêu quy hoạch khoảng 44% diện tích của quốc gia cho phát triển lâm nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn những người cung cấp dịch vụ môi trường rừng là người nghèo vì thế PES sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người có thu nhập thấp nâng cao mức thu nhập của mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và ban hành chính sách để thực hiện các cấn đề này trong nhiều năm qua. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách này đến nay sau hơn hai năm thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng và Sơn La đã đạt được thành công, và được sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, là căn cứ để Chính phủ chuẩn bị ban hành chính sách thực hiện trong cả nước. Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng các bộ có liên quan xây dựng một Nghị định của Chính phủ về PES để thực hiện trong cả nước. Đây sẽ là văn bản có hiệu lực phát luật cao hơn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.
Ngài Stale Torstein Risa, Đại sứ Nauy phụ trách Việt Nam và Lào cho biết, năm 2008, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khởi xướng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES). Ngay trong năm đó, Việt Nam đã tiên phong trong việc thí điểm mô hình này tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La bằng quyết định 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Kết quả là năm 2009, ở Lâm Đồng, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ước thu hơn 55 tỷ đồng từ hai nhà máy thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Với số tiền này, tỉnh Lâm Đồng thực hiện chi trả 203.335 ha và hơn 8.000 hộ bảo vệ rừng được thụ hưởng với mức bình quân 8,1-8,7 triệu đồng/năm, gần gấp ba lần so với thu nhập nhận khoán trước đây.
Đại sứ Nauy cho biết, ông đã đến Lâm Đồng, nói chuyện với người dân và tận mắt chứng kiến mô hình này hoạt động như thế nào. Và ông kết luận, Việt Nam có bối cảnh tuyệt vời để tiên phong thực hiện REDD. Và đây là thời điểm phù hợp để tổ chức Hội nghị Katoomba lần thứ XVII tại Việt Nam nhằm để các nước học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, đưa ra một mô hình để triển khai trên toàn thế giới.
Ông Frank Donovan, Trưởng đại diện USAID Việt Nam cho rằng, PES không chỉ mới với Việt Nam mà khắp cả toàn cầu. Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiên phong thực hiện PES. Ông hy vọng các nước trong khu vực sông Mê Công sẽ học hỏi được phần nào kinh nghiệm của Việt Nam khi triển khai PES.
Hội nghị Katoomba XVII diễn ra trong hai ngày 23 và 24-6, thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu từ 30 quốc gia trên toàn thế giới. Các đại biểu thảo luận về tình hình hiện tại và tiềm năng cho thị trường PES trong khu vực, bao gồm các sáng kiến tiên phong trong bảo vệ nguồn nước, hấp thụ carbon từ rừng, biển và thị trường đa dạng sinh học.