Tại Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Hội Đập lớn Thế giới-ICOLD khai mạc hôm nay, 25-5 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, Việt Nam quan tâm tới những kết quả nghiên cứu mới nhất, những công nghệ tiên tiến và những kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý khai thác công trình đập ngăn nước.
Theo Phó Thủ tướng, nội dung của hội nghị Hội đập lớn thế giới chắc chắn sẽ hết sức hữu ích cho sự nghiệp xây dựng đập, phát triển nguồn nước ở Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới.
Việt Nam có nguồn nước dồi dào nhưng lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, dễ gây hạn hán và úng lụt, đe dọa tính mạng của con người và tài sản xã hội. Việt Nam cũng là một nước dễ bị tác động bởi hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Vì vậy Việt Nam rất coi trọng việc xây dựng hệ thống công trình thủy lợi - thủy điện với nhiều đê, đập lớn.
Trong công cuộc phát triển hiện nay, yêu cầu dùng nước trong dân sinh, kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng cả về khối lượng và chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển điện năng, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm tới thủy điện, một nguồn năng lượng sạch và tái tạo, nhiều nhà máy thủy điện lớn đã và đang được xây dựng như Hòa Bình, Yaly, Sơn La...
Những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến về xây dựng và quản lý đập đã được áp dụng thành công ở Việt Nam. Nhiều đập lớn có chiều cao trên 100m, các hệ thống hồ đập thủy lợi lớn đã được xây dựng nhanh, chất lượng tốt, an toàn, giá thành hạ, sớm phát huy hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho biết, khoảng 60% tổng lượng nước mặt của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, nhiều dòng sông chảy đến Việt Nam từ các nước và cũng nhiều dòng sông chảy từ Việt Nam sang các nước. Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, vì lợi ích chung của nhân dân các nước, tôn trọng sự hợp tác với các nước vì mục đích khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước trên các dòng sông quốc tế.
Nhiều nước trên thế giới đưa công nghệ xây dựng đập
sang giới thiệu ở Việt Nam.
sang giới thiệu ở Việt Nam.
Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy hội Đập lớn thế giới với tiêu đề “Đập và sự Phát triển bền vững tài nguyên nước” với nhiều chủ đề kỹ thuật phong phú và đa dạng trong lĩnh vực quy hoạch nguồn nước, giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán, xây dựng và quản lý an toàn đập, nghiên cứu môi trường và xã hội, vận hành tối ưu hồ chứa, mô hình toán, quản lý sử dụng nước, tưới tiêu và cấp nước…, cùng với sự tham gia rất đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nhân từ khắp các châu lục là một sự kiện quan trọng.
Đây là dịp tốt để mọi người cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật an toàn hồ đập và đảm bảo an ninh về nguồn nước, thích ứng tốt với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nguy cơ suy thoái nguồn nước và biến đổi khí hậu.
Hơn 800 đại biểu là lãnh đạo hội đập lớn đến từ các nước và các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, các nhà quản lý từ 90 nước thành viên của ICOLD đã tham gia hội nghị.
Vấn đề phát triển đập có đi cùng phát triển bền vững hay không là một trong những vấn đề được giới khoa học rất quan tâm. Đặc biệt trong thời gian gần đây số lượng đập mới xây dựng vẫn gia tăng đáng kể cùng với việc cải tạo, nâng cấp và đảm bảo an toàn các đập đã có nhằm đáp ứng những nhu cầu về dân sinh, kinh tế, xã hội.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Đập và phát triển nguồn nước bền vững” diễn ra trong hai ngày 25 và 26-5 là hoạt động dành được nhiều quan tâm nhất của các đại biểu. Đã có gần 400 bản đăng ký báo cáo theo 17 chủ đề được gửi tới Ban tổ chức, trong số đó 180 báo cáo khoa học được lựa chọn để báo cáo tại Hội nghị.