Cụ thể, đã khởi tố mới 259 vụ/163 bị can về kinh tế, sở hữu, môi trường, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là tội trộm cắp tài sản (chiếm 54%) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm 22%). Khởi tố mới mới 05 vụ/13 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ; 215 vụ/515 bị can phạm tội về trật tự xã hội; 247/342 bị can phạm tội về ma túy, chủ yếu là các tội tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn. Riêng tội phạm về tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng…
Trong năm 2022, các vụ việc dân sự được thụ lý giải quyết chủ yếu là các tranh chấp về quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản, ly hôn, chia tài sản sau ly hôn... các vụ án hành chính chủ yếu là các cá nhân khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh liên quan đến đất đai. Đáng chú ý, trong năm 2022, Tòa án cấp huyện đã thụ lý giải quyết 01 vụ án lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại và thanh toán trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm trong năm qua chủ yếu là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tình trạng mất việc làm, không có thu nhập, rồi một số người dân có tâm lý coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, danh sự, nhân phẩm của người khác, có lối sống hưởng thụ, lười lao động, sa đà vào tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma túy, ...Trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các vụ án liên quan đến quản lý đất đai, đấu thầu, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trước tình hình đó, toàn ngành Kiểm sát Hòa Bình đã tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, kết quả đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội, của Ngành giao. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội. Trong lĩnh vực hình sự, VKSND hai cấp đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 1.061 nguồn tin về tội phạm, đã giải quyết 915 tin, đạt tỷ lệ 86%. Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 942 vụ/1.328 bị can; Cơ quan điều tra đã điều tra, xử lý 686 vụ/1.032 bị can (đạt tỷ lệ 73%); thu hồi được hơn 1,7 tỉ đồng, đạt 70% tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt. Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 547 vụ/995 bị can; đã xử lý, giải quyết 506 vụ/927 bị can, đạt tỷ lệ 93%, trong đó truy tố 503 vụ/924 bị can, số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100%, vượt 10% và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 100%, vượt 5% chỉ tiêu so với Nghị quyết của Quốc hội.
Năm 2022, VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình tiếp tục xác định công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự và vụ án hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Theo đó, VKSND 2 cấp đã phối hợp tổ chức 72 phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự, 05 phiên tòa rút kinh nghiệm hành chính, kinh doanh thương mại; ban hành tổng số 18 kháng nghị phúc thẩm; chấp nhận kháng nghị 04 vụ/05 vụ đã xét xử (đạt 80%, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội); 51 kiến nghị; 51 yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ…Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn. Công tác xây dựng ngành chuyển biến rõ nét; kỷ cương, kỷ luật nội bộ cơ quan, đơn vị được tăng cường.
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: phải hạn chế thấp nhất việc gia hạn thời hạn điều tra hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị ngang cấp,.... những tồn tại, hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là doác động của dịch bệnh gây ra đã ảnh hưởng lớn tới các mặt của đời sống kinh tế, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp hoạt động chuyên môn của Ngành. Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ hạn chế về năng lực, trình độ; phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo đơn vị chưa thật sự đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao... Vì vậy thời gian tới VKSND hai cấp tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hánh án; tạm giữ, tạm giam; giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan này./.