DetailController

Văn hóa

Về Ân Nghĩa- Mường Khói những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám

28/08/2020 00:00
Xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) thuộc chiến khu Mường Khói, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (chiến khu Quang Trung). Căn cứ cách mạng Mường Khói bao gồm vùng đấy của 3 xã: Hòai Ân, Hiếu Nghĩa và Tân Mỹ (nay là các xã Ân Nghĩa, Yên Nghiệp và Tân Mỹ).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Lạc Sơn thăm nhà truyền thống Chiến khu Mường Khói

Tháng 5/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình họp hội nghị toàn thể tại Phương Lâm, thị xã Hòa Bình để triển khai thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Hội nghị quyết định thành lập 4 chiến khu cách mạng gồm: Chiến khu Mường Khói (Lạc Sơn), chiến khu Mường Diềm (Đà Bắc), Chiến khu Cao Phong – Thạch Yên (Kỳ Sơn), Chiến khu Hiền Lương – Tu Lý.

Cùng với sự tập hợp, dần lớn mạnh và trưởng thành của các chiến khu, ngày 19/8/1945, theo lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc kỳ, chiến khu cách mạng Mường Khói và cơ sở Việt Minh Vụ Bản nhận được lệnh khởi nghĩa của Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Hòa Bình. Sáng ngày 20/8/1945, đơn vị tự vệ chiến đấu và quần chúng từ chiến khu cách mạng Mường Khói phối hợp với lực lượng tự vệ chiến đấu cùng các hội viên cứu quốc và nhân dân thị trấn Vụ Bản tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Châu lỵ Lạc Sơn. Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Châu lỵ Lạc Sơn, sáng ngày 21/8/1945, gần 50 chiến sỹ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản giương cao cờ đỏ sao vàng theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình phối hợp với các chiến khu cách mạng Cao Phong – Thạch Yên, Tu Lý – Hiền Lương và các cơ sở cách mạng ở thị xã Hòa Bình tiến hành giành chính quyền Tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

Tháng 2/1947, thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, nhân dân xã Đại Đồng (xã Ân Nghĩa, Yên Nghiệp ngày nay) đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt là xây dựng lực lượng dân quân du kích, tiến hành tiêu thổ kháng chiến, phục vụ vận chuyển và canh gác bảo vệ các kho tàng của huyện cất giấu trên địa bàn. Năm 1948, Ủy ban kháng chiến huyện Lạc Sơn sơ tán, chọn thôn Ân Nghĩa, xã Đại Đồng (thuộc 2 xã Ân Nghĩa và Yên Nghiệp ngày nay) để hội họp, củng cố chính quyền, phát triển công tác Đảng. Tháng 11/1948, Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Sơn lần thứ nhất được triển khai tại xóm Vọc- thôn Ân Nghĩa. Đến cuối năm 1948, Thực dân Pháp mở nhiều cuộc tấn công, càn quét các xã vùng quanh đường 12A, trong đó có xã Đại Đồng nơi  có các kho tàng và cơ quan của huyện, của bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn. Dốc kẻ phản bội, tháng 9/1948 quân Pháp bất ngờ bao vây cơ quan huyện đóng ở xóm Đam Sống, thôn Yên Nghiệp. Trung đội du kích tập trung Đại Đồng đã phối hợp với 1 tiểu đội bộ đội chủ lực đã kịp thời chiến đấu ngăn chặn, kìm chân địch. Thu đông năm 1949, Liên khu ủy, Bộ tư lệnh Liên khu II quyết định mở chiến dịch Lê Lợi. Ngày 25/11/1949, chiến dịch Lê Lợi bắt đầu, lực lượng du kích và nhân dân xã Đại Đồng đã phối hợp với Trung đoàn Quang Trung (Quân khu 4) và Trung đoàn 12 (Quân khu3) tấn công đánh đồn Vụ Bản, đồn Vang, đồn Riệc và đồn Nghẹ, tiêu diệt nhiều tên địch. Cuối tháng 1/1950, chiến dịch Lê Lợi kết thúc thắng lợi.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân và dân vùng Đại Đồng đã cùng với Chính phủ quyết liệt chống trả quân địch. Đặc biệt, ngày 31/5/1965 khi máy bay địch đánh phá Kho K54 của bộ đội đặt tại xóm Lục – xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp), quân dân du kích xã Ân Nghĩa đã hợp đồng tác chiến với dân quân du kích xã Liên Hòa lập nên chiến công lớn, bắn rơi 1 máy bay F4H của giặc Mỹ.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân dân Ân Nghĩa đã cử 520 con em lên đường chiến đấu với số lượng gần 10% dân số toàn xã, trong đó có 55 người con đã hy sinh anh dũng. Lực lượng dân quân du kích xã làm tốt công tác cho phong trào toàn dân đánh giặc và xung kích trong sản xuất. Tính đến nay, xã Ân Nghĩa được nhà nước phong tặng 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 480 người và 260 gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương các loại, có 54 liệt sỹ, 30 thương binh, 7 bệnh binh, 23 người nhiễm chất độc da cam. Để ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ân Nghĩa, năm 1993 Chiến khu cách mạng Mường Khói được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia”, năm 2000 xã Ân Nghĩa được Nhà nước trao tặng Danh hiệu “Anh hùng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Pháp.

75 năm sau cách mạng tháng Tám, vùng đất Ân Nghĩa đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống của người dân ngày càng no ấm. Tới nay thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,7%, hộ cận nghèo là 8,5%; an sinh xã hội được quan tâm; tình hình an ninh trật tự đảm bảo; xã vừa hoàn thành đại hội Đảng bộ cấp cơ sở thành công tốt đẹp. Sau đại hội, xã đang tập trung thực hiện các mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó tập trung đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM; tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc phát triển các ngành nghề mũi nhọn nhằm nâng cao thu nhập người dân./.