DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Vay vốn ưu đãi, bước đệm thoát nghèo cho người nông dân

21/07/2014 00:00
Nhờ chính sách của Đảng và nhà nước, người nông dân được vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến tiêu biểu như chương trình tín dụng của ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông qua các cán bộ tín dụng và dự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh tiên, thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các thôn, bản, sát cánh cùng người nông dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Cán bộ ngân hàng CSXH huyện Kim Bôi hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn

 Đến thăm gia đình ông Quách Đình Thung, thôn Sào, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, ông niềm nở cho biết: năm 2010, gia đình được vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, với số tiền 7 triệu đồng, tôi quyết định đầu tư mua một con trâu. Từ một con trâu, vợ chồng tôi chịu khó vừa làm nông nghiệp, vừa nhân giống nuôi trâu. Bắt đầu từ năm 2013, tôi vay vốn từ chương trình tín dụng học sinh sinh viên cho con trai học đại học. Tới nay đàn trâu đã có 6 con, gia đình tôi đã thoát nghèo. Sang năm nay, tôi đang tiếp tục đề nghị được vay vốn hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ tín dụng ngân hàng và cán bộ tín dụng xã tôi mừng lắm; vốn vay tuy không nhiều nhưng bước đầu giúp gia đình tôi có thêm vốn làm ăn, có động lực vươn lên thoát nghèo và có tiền chu cấp, nuôi dưỡng các con học tập.

Gia đình ông Thung ở huyện Kim Bôi chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo nhờ các chương trình tín dụng. Những năm qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ của cán bộ ngân hàng và cán bộ làm công tác từ tỉnh tới cơ sở, người nông dân đã được phổ biến các thủ tục và quy trình vay vốn, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Từ đó, người nông dân đã biết sử dụng vốn vay vào các công việc thiết thực, đầu tư làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Riêng nhờ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng chính sách xã hội với mức vay 4 triệu đồng/ hộ đã giúp nhiều gia đình có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện đời sống. Cũng nhờ các chương trình tín dụng, con em nông dân có điều kiện cơ hội khắc phục khó khăn để học hành. Tính đến nay tổng dư nợ của các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến tháng 6/2014 là 474.134.020.000 đồng, với 792 tổ vay vốn, 28.818 hộ; số nợ quá hạn là trên 1,8 tỷ đồng, chiếm 0,39%.

Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng với các nguồn vốn khác, chương trình tín dụng của ngân hàng NN&PTNT đã góp phần hỗ trợ cho người nông dân có thêm vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống. Các cấp Hội nông dân đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương củng cố kiện toàn mở rộng tổ vay vốn, trên cơ sở đó, thành lập các tổ vay vốn mới, duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên, gắn các hoạt động lồng ghép, phổ biến kinh nghiệm cho các hộ hội viên, nông dân vay vốn nhằm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả hoàn trả vốn đúng thời hạn. các cấp hội thích cực, chủ động phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đối với Hội cấp dưới, tổ vay vốn và hộ vay. Nhiều huyện đã phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội, cán bộ Tổ vay vốn. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 9/11 huyện đã ký kết chương trình phối hợp với ngân hàng, còn thành phố Hòa Bình và huyện Kim Bôi chưa ký được chương trình phối hợp với ngân hàng. Thông qua chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn, thực hiện đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Đối tượng đầu tư được mở rộng, thông qua tổ nhóm giảm chi phí đi lại cho hộ hội viên nông dân, đồng thời củng cố kiện toàn chi tổ hội, tăng cường giúp đỡ nhau từng bước giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập. Tính đến hết quý I/2014 tổng dư nợ chương trình phối hợp toàn tỉnh là 412,660 tỷ đồng, tổng số tổ vay vốn là 794 tổ với 18.839 thành viên; trong đó nợ quá hạn là 11,143 tỷ đồng, tỷ lệ 2,7%.

Tuy nhiên, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến thực hiện chính sách đến nông dân còn hạn chế, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, các cấp Hội và chính quyền địa phương. Các hộ vay vốn thông qua tổ vẫn phải bảo đảm thế chấp tại các chi nhanh ngân hàng; thời gian làm thủ tục thông qua Tổ vay vốn mất nhiều thời gian do phải có thời gian bình xét ở tổ vay vốn, chờ ngày thẩm định…nhiều nơi không triển khai cho vay thông qua tổ vay vốn gây khó khăn cho nhân dân. Công tác phối hợp để kiểm tra, giám sát chưa duy trì được thường xuyên, việc ký chương trình phối hợp ở cấp huyện chưa đầy đủ, đến nay còn huyện Kim Bôi và thành phố Hòa Bình chưa có chương trình phối hợp của Ngân hàng NN&PTNT. Thời gian tới, cần vận động hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm nông dân có cùng mục đích sản xuất, theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các nghành nghề truyền thông, trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế địa phương. Tăng cường phối hợp với chi nhánh các ngân hàng, xây dựng các giải pháp hiệu quả tăng cường nguồn vốn, giảm thiểu các thủ tục rườm rà cho vay vốn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tập trung cho sản xuất, chăn nuôi phát triển hàng hóa./.