DetailController

Quốc phòng - An ninh

Vào "rốn ma tuý" Tây Bắc: Tận cùng nỗi đau

06/07/2010 00:00

Cận Tết Nguyên đán 2010, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin ba chiến sĩ công an tỉnh Hoà Bình đã hy sinh khi vây bắt tên trùm ma tuý Vàng A Khua tại xã Hang Kia (Mai Châu). Bốn tháng sau sự kiện chấn động, tôi quay trở lại Hang Kia khi những vết thương do tên Khua gây ra vẫn chưa thể lành đối với các gia đình nạn nhân và nhiều người dân nơi này.

Ông Phứ lên núi làm việc để quên đi nỗi đau dù sức khoẻ của ông rất yếu.

 

Trước khi đặt chân vào “thung lũng ma tuý” Hang Kia, tôi đã ghé thăm hai trong số ba gia đình có người thân bị tên trùm ma tuý Vàng A Khua giết hại. Hơn bốn tháng kể từ ngày các anh hy sinh, những người thân của họ vẫn còn đó một nỗi đau khôn nguôi.

Vào rừng tìm lãng quên

Nhà trung uý Sùng A Trư (đội Cảnh sát phòng chống ma túy Công an huyện Mai Châu) ở bản Trà Đáy, xã Pà Cò, xã nằm sát vách với xã Hang Kia. Kể từ ngày anh Trư hy sinh, ngôi nhà này luôn đóng cửa im lìm. Hôm tôi đến, gọi mãi nhưng chẳng có ai trả lời. Một người hàng xóm nói với sang: “Ông Phứ (bố Trư) đang ở trong rừng. Cần gì vào đó mà gặp”.
 

Chị hàng xóm tốt bụng đã dẫn đường giúp chúng tôi tìm lên tận đồi mận xa tít để gặp người đàn ông bất hạnh này. Khuôn mặt khắc khổ, dáng người tiều tuỵ, ông Phứ tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ chìm nghỉm giữa rừng mận. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phứ bảo, kể từ ngày mất con trí nhớ ông rối bời, nói chuyện lúc chuẩn lúc... lệch, mong các nhà báo thông cảm.

Ông Phứ vẫn nhớ như in buổi chiều định mệnh 5/2 ấy. Trước đó một ngày, ông nhận được tin con trai lên xã Hang Kia công tác. Biết con đi qua nhà nên ông gọi điện hỏi “có ghé qua nhà không để bố còn lo cơm nước”.
Qua điện thoại, giọng Trư gấp gáp “Con không về được bố ạ, có việc quan trọng lắm. Xong việc con sẽ về qua nhà thăm bố và mọi người”. Biết con bận nhiều việc nên ông Phứ cũng không căn vặn gì. “Cũng sắp Tết rồi (hôm đó là 23/12 âm lịch) nó còn phải làm xong việc để về ăn Tết cho ngon”, ông Phứ nghĩ vậy. Thế nhưng, ông cũng chẳng thể ngờ, cuộc nói chuyện qua điện thoại hôm đó lại là lần cuối cùng ông được nghe giọng nói của Trư.
 

 
Ông Sùng A Phứ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất con.

Chiều 5/2, khi ông Phứ đang ra đồi thăm vườn mận, một người hàng xóm chạy đến hốt hoảng bảo tin: “Bác ơi, cháu nghe nói trên Hang Kia đang bắn nhau kinh lắm, có nhiều người bị thương”. “Cháu có nghe tin gì về anh Trư không?”, ông Phứ lo lắng hỏi lại.
Chẳng đợi câu trả lời, linh tính có chuyện chẳng lành, ông ù té chạy. Về đến nhà thấy vợ con đang khóc lóc, ông Phứ đoán được sự việc nên lấy xe máy phóng vội sang xã Hang Kia, cách nhà ông chỉ 5 - 6km. Sang đến nơi thấy cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Rẽ đám đông chạy vào, ông như điếng người khi nhìn thấy con mình gục ngã trên vũng máu.

Từ ngày Trư hy sinh, ông Phứ cứ vào ngẩn ra ngơ. Mỗi lần nhìn lên di ảnh con trai ông lại sụt sùi thương nhớ. Để tìm sự nguôi ngoai, mấy tháng nay ngày ngày ông lên  đồi chăm sóc cây mận, cây đào cho khuây khoả. 

“Đại hy sinh rồi Hà ơi!”

Thượng uý Bùi Quốc Đại anh dũng hy sinh đã hơn bốn tháng nhưng người thân trong gia đình anh vẫn chưa thể quen. Chiều nào cũng vậy, cứ từ cơ quan về, bà Nguyễn Thị  Thu Hà, mẹ thượng uý Đại lại thẫn thờ nhìn dòng người lặng lẽ qua lại.
Bà cố tìm một hình bóng thân thương chầm chậm tách khỏi đoàn xe, rẽ về phía bà với nụ cười hiền. Thế nhưng, càng ngóng trông, càng mòn mỏi thì lại càng thấy lòng mình tê tái. Con bà không về nữa! Không bao giờ về nữa!

Hôm chúng tôi đến thăm không hẹn trước, thấy người lạ bà Hà nhìn ngơ ngác. Sau một phút trấn tĩnh, bà mời chúng tôi vào nhà thắp cho Đại nén hương. Nhìn ảnh con mình, bà Hà lại bật khóc. Trong tâm trí bà, Đại như vẫn còn sống.
Chính thế, trên bàn thờ của Đại, bà bày đặt hầu hết những vật dụng anh vẫn quen dùng. Trước ảnh thờ là một tờ báo thể thao. Bà bảo, Đại thích bóng đá nên ngày nào cũng đọc tờ báo đó. Từ ngày con mất, sáng nào chồng bà, ông Bùi Minh Đạo cũng ra bưu điện mua một tờ báo đặt lên ban thờ cho con.
 
Lãnh đạo bộ công an đến  thăm và chia sẻ nỗi đau với gia đình bà Hà, ông Đạo
 

Bà Hà kể rằng, trước đây Đại học giỏi lắm. Năm 2000, (Đại sinh năm 1982), Đại đã đạt giải 3 môn Sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Nhờ giải thưởng này mà  Đại đã được tuyển thẳng vào đại học Cảnh sát. Sau 5 năm đèn sách, Đại về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (PC 17) Công an tỉnh Hoà Bình.

Biết con làm nghề nguy hiểm nên lúc nào bố mẹ cũng dặn dò phải thận trọng trong công việc. Nhưng rồi sự lo lắng của bà Hà, ông Đạo vẫn trở thành nỗi đau. Hôm ấy, đang giờ làm, không biết có phải vì sợi dây mẫu tử vô hình hay bởi lý do gì mà bà đứng ngồi không yên, tâm thần bấn loạn. Hôm trước, Đại về qua nhà, nói là đêm ấy (đêm 4/2) phải đi công tác.
Tết đã cận kề, tuy chẳng muốn con mình rời xa gia đình nhưng bởi nhiệm vụ, như mọi lần, vợ chồng bà lại căn dặn những lời “muôn năm cũ”: “Con đi nhớ cẩn thận, xong việc thì gọi ngay về để bố mẹ yên tâm!”. Thương con nên tối ấy, bà đã làm thịt con gà để tẩm bổ cho con bởi ý nghĩ, xa mẹ con mình ăn uống sẽ chẳng ra sao.

Đại đi từ đêm nhưng đến sáng vẫn chẳng thấy điện thoại về. Sốt ruột lắm nhưng bà không dám gọi cho con. Bà hiểu tính con mình bởi nếu xong nhiệm vụ thế nào Đại cũng điện về để bố mẹ bớt lo. Tất tưởi đến cơ quan làm việc nhưng không lúc nào bà không nghĩ đến con. Thế rồi, khi chiều vừa buông thì tai ương bất ngờ ập tới.

Khi ấy, đang thu dọn sổ sách thì điện thoại rung. Người gọi là chị gái bà. Vừa mở máy, bà đã nghe thấy tiếng nức nở. Chị gái bà chỉ nói mỗi câu “em điện cho thằng Đại đi” rồi cúp máy. Có chuyện chẳng lành đến với con mình rồi sao, nghĩ vậy, bà luống cuống bấm máy cho con.
Thế nhưng, điện thoại của Đại chỉ phát ra những tiếng bíp bíp vô hồn. Cuống cuồng gọi mấy lần mà chẳng được, bà gọi lại cho chị gái mình. Thế nhưng, chị gái bà đã không dám nhận cuộc gọi ấy của bà nữa. Hôm đó, rét như cắt thịt cắt da mà mồ hôi bà vã ra như tắm. Hoảng loạn, bà chẳng còn biết gọi cho ai để hỏi thông tin về con mình nữa. Vứt bỏ cả túi xách, bà nháo nhào chạy về nhà.

Từ xa trông về nhà  mình, bà thấy người ra kẻ vào lố nhố.  Đúng là có chuyện chẳng lành với con mình rồi! Ý nghĩ ấy làm chân tay bà mềm oặt. Vừa thấy bóng bà, mọi người xúm đến, ai cũng nước mắt vắn dài. “Đại hy sinh rồi Hà ơi!”. Câu nói ấy như nhát dao đâm thẳng vào tim, bà ngã vật ra hè bất tỉnh.

Từ ngày Đại ra đi, cả bà Hà lẫn ông Đạo sống như những chiếc bóng. Đang là thời điểm World Cup, nhìn ông Đạo lại càng thương hơn. Bà Hà bảo, cả Đại và bố đều rất mê đá bóng. Trước đây, khi có trận đá bóng, hai bố con lại tranh luận với nhau sôi nổi.

Tối hôm có World Cup 2010, ra phòng khách, nơi đặt ti vi, bà Hà lại nước mắt vắn dài khi thấy một cảnh não lòng. Trên chiếc ghế bành, chồng bà đang đăm đắm dõi theo trái bóng. Thế nhưng, trên tay, ông lại cầm bức ảnh chân dung của con trai mình. Thấy bà khóc, ông cũng sụt sùi. Ông bảo, ông muốn cùng con chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này nên đã làm như vậy... 
Nhà ông Phứ có 5 người con, 2 trai, 3 gái, Trư là con trai cả. Nói về con trai mình, ông Phứ tự hào lắm. Ông bảo, người Mông nơi đây ít học, bản thân gia đình, dòng tộc nhà ông cũng vậy. Việc Trư học hành đến nơi đến chốn và làm công an đúng là làm rạng danh cả nhà ông. Sùng A Trư còn rất trẻ, anh SN 1984. Thế nhưng, con đường tưởng như bằng phẳng mà Trư vừa đặt chân lên đã sớm đứt đoạn.

(Còn nữa)