Gần 3ha trải dài qua hai khu mộ của dòng họ Đinh Công ngày nay chỉ còn lác đác hơn chục ngôi mộ. Qua nhiều lần các đoàn khảo cổ bắt tay vào nghiên cứu, những bí mật của thánh địa xứ Mường này mới dần được hé lộ, xua tan những đồn đoán.
Đống Thếch được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là nghĩa địa đá duy nhất còn sót lại ở Việt Nam hiện nay. Điểm đặc biệt lôi cuốn của Đống Thếch là những cột đá cao quá đầu người được dựng xung quanh các ngôi mộ. Khu mộ Đống Thếch hiện được chia làm hai khu nhỏ, khu A có hơn chục ngôi mộ dạng tròn hoặc vuông với các hòn đá bao quanh. Đầu mộ thường chôn hòn đá cao, to nhất. Trên các hòn đá đó thường có ghi tên tuổi, công trạng ngày mất của người nằm dưới mộ. Khu B có ngôi mộ tổ to nhất rõ hình dạng, còn lại là những nấm mồ được đắp đất đơn sơ rất khó nhận diện.
Những cột đá còn được người Mường Động gọi là hòn mồ. Chúng thường được đẽo thuôn về phía phần trên. Tiếng Mường hòn mồ là kèn mồ. Các tài liệu còn lưu giữ hiện nay nói rằng, hòn mồ là một dấu hiệu, ranh giới, phân biệt Mường ma với Mường người. Do vậy, các hòn mồ được dựng lên không chỉ với ý nghĩa đơn thuần là đánh dấu mộ, mà còn ẩn chứa những quan niệm về tâm linh của người Mường ở trong đó.
Ông Quách Văn Ạch, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu hoàng thành Thăng Long, nguyên giám đốc bảo tàng Hoà Bình, người từng tham gia tôn tạo di tích Đống Thếch năm 2001, cho biết quy tắc việc sắp xếp cột đá là theo các bộ phận thân thể của con người. Mỗi ngôi mộ có ít nhất sáu cột đá biểu tượng cho phần đầu, hai tay, hai chân và một cột là ký hiệu để phân biệt người chết là nam hay nữ. Nếu có hai cột đá bên tay phải là đàn ông và ngược lại hai cột bên tay trái là đàn bà. Ông Ạch cho hay, theo cách bố trí của người Mường, hòn mồ quan trọng nhất là phía đầu mộ tượng trưng cho phần hồn, còn các hòn mồ tay và chân là vía. Theo ông Ạch, hòn mồ là vật để đưa linh hồn người chết lên trời, nó cũng có thể là biểu hiện còn lại của linh hồn người chết được gửi gắm vào trong đá.
Phía bên phải lối vào chính của khu mộ A là ngôi mộ to nhất, ngôi mộ bề thế này được định danh là của ông Đinh Công Kỷ, lang cun (người đứng đầu cai trị) xứ Mường. Hòn mồ phần hồn nơi đầu mộ có ghi văn bia: Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mất giờ Sửu, ngày 13.10 năm Đinh Hợi (1647). Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22.2 năm Canh Dần (1650) được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, bảy con voi, năm con ngựa, đoàn người đưa tiễn có đến hàng ngàn, tiếng than khóc, tiếng cồng chiêng vang dội cả một vùng rộng lớn.
Giải thích rõ hơn về những dòng chữ được khắc trên cột đá, ông Ạch cho hay cho tới nay, chưa phát hiện thấy có quy định rõ ràng nào về việc khắc chữ trên các hồn mộ. Theo ông Ạch, đó có thể là cột đá ghi lý lịch, công trạng, cũng có thể là ghi địa chỉ con cháu, họ hàng phúng viếng bằng cột đá tương tự như vòng hoa hiện nay.
Do nhiều lần bị tàn phá bởi nạn đào trộm cổ vật, nên hiện trạng của Đống Thếch đã không còn như ban đầu. Điều này khiến Đống Thếch vẫn còn những bí ẩn khó thể lý giải như: bằng cách nào người trong gia tộc Đinh Công có thể vận chuyển hàng trăm phiến đá xanh từ Thanh Hoá về Đống Thếch? Số lượng các cột đá trên các ngôi mộ tối đa là bao nhiêu? Hiện tại, Đống Thếch chỉ còn những cột đá cao lừng lững uy nghiêm là minh chứng duy nhất còn sót lại để khẳng định dấu tích huy hoàng thuở xưa của một dòng họ quan lang quyền thế.
Theo các tài liệu khảo cổ được ghi lại, khu đất Đống Thếch có địa thế hình dáng miệng rồng, là thế đất quý theo thuật phong thuỷ, cho nên từ lâu, dòng họ quan lang Mường Động đã chọn làm nơi yên nghỉ cho dòng họ của mình. Với thế đất rộng hơn 3ha, trải qua nhiều đời, khu Đống Thếch đã từng ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, trong đó có nhiều ngôi mộ được cắm những hòn đá cao làm bia mộ như dấu ấn quyền lực của người chết.
Vào những năm 1970, khu mộ cổ Đống Thếch là thung lũng hoang vắng. Ông Đinh Công Dũng, hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Đinh Công còn nhớ: thời điểm trước khi Nhà nước bắt tay khai quật năm 1984, khu mộ được bao vây bởi rừng cổ thụ bạt ngàn mà chỉ người dòng họ Đinh Công mới biết đường ra lối vào. Nghĩa địa bí ẩn của dòng họ quan lang uy quyền, lại thêm lời đồn thổi khi quan lang chết có chôn theo cả trăm người phục dịch khiến khu mộ cổ trở nên linh thiêng, u tịch, không ai dám tới gần.
Bí thư, chủ tịch xã Vĩnh Đồng Bùi Đức Òm kể với chúng tôi câu chuyện những lời đồn đoán quan lang chết có chôn cả người sống theo. Theo người dân truyền miệng lại, quan lang chết có chôn theo một trăm người hầu là những thanh niên nam, nữ còn trinh tiết.
Theo ông Òm, những lời đồn được thêu dệt ly kỳ như: người bị chôn sống thì người nhà của họ đào một lỗ nhỏ để đem cơm nước, sau trăm ngày thì đào đất chui lên. Hoặc như những hồn ma còn vất vưởng đâu đó mỗi đêm vẫn hiện về với đủ lời ai oán. Chính lý do này, vào thời điểm năm 2001, người dân xã đã phản ứng rất quyết liệt với dự án trùng tu tôn tạo lại khu mộ cổ. “Một số người cho rằng, tôn tạo lại khu mộ là khôi phục lại thế lực quan lang tàn ác ngày xưa”, vị chủ tịch xã Vĩnh Đồng cho hay.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thi, giám đốc bảo tàng Hoà Bình phủ nhận thông tin này, bà Thi cho biết vào năm 1984, khi Nhà nước cho khai quật khu mộ cổ thì không phát hiện thấy xương người nằm cùng đồ tuỳ táng. “Có nhiều xương voi, ngựa, đồ gốm sứ, thạp đất nung, trống đồng, nhưng tuyệt nhiên không thấy xương người trong số đồ tuỳ táng. Nó là căn cứ xác thực cho thấy tin đồn quan lang khi chết chôn theo người sống làm người hầu hoàn toàn là bịa đặt”.
Nói rõ hơn về nguyên nhân có lời đồn đoán trên, bà Thi cho rằng, theo quan niệm của người Mường, khi chết sẽ chôn theo mọi vật dụng sinh hoạt như khi còn sống, khi sống quan lang có rất nhiều “con hầu” phục dịch, nên khi quan lang chết đi, người dân Mường Động cũng suy đoán quan lang sẽ chôn theo người hầu còn sống.