Gian phòng này cả tháng đóng cửa im lìm, hoạ hoằn lắm vài năm mới có dịp mở cửa đón các đoàn nghiên cứu, nhiều khi cả năm mới mở cửa một lần cho sinh viên thực tập các trường khoa học xã hội về để ngó qua.
Nhưng, với người hiểu biết chuyên môn, chỉ cần bước qua cánh cửa cong vênh của gian phòng này là một thế giới khác được mở ra, lạ kỳ, huyễn hoặc.
Trống đồng cổ có bốn con cóc trên mặt trống là hiện vật quý giá nhất trong hơn 500 cổ vật được khai quật ở Mường Động.
Chính giữa gian phòng là hai chiếc trống đồng lớn. Chiếc trống đồng lớn nhất có bốn con cóc trang trí trên bề mặt trống. Trên cả hai chiếc trống đều hoen gỉ, màu nâu đen trống đồng đã bị oxy hoá bong tróc thành những mảng màu vàng xanh lốm đốm. Một mảng vỡ bằng bàn tay trên bề mặt đã phá hỏng tính hoàn chỉnh về hình khối của chiếc trống tuyệt đẹp này. Xung quanh hai chiếc trống đồng là vô số các thạp, bình gốm lớn nhỏ khác nhau. Những chiếc thạp, bình, lọ này đều có màu vàng nâu. Cầm bình trên tay, có thể cảm nhận được độ dày, trơn và đanh của gốm. Chiếc thạp gốm to nhất có đường kính tương đương trống đồng, nhưng độ cao chỉ bằng 2/3 chiếc trống, còn nguyên vẹn, không tì vết. Sự nguyên vẹn của chiếc thạp sau hàng trăm năm tồn tại chính là một bí ẩn về độ bền, độ đanh lạ kỳ của cổ vật này. Trên bề mặt thạp là những hoa văn, hoạ tiết cũng khá lạ.
Cách bố trí sắp xếp cổ vật ở đây khá cẩu thả và tuỳ tiện. Trống đồng, thạp, bình, lọ gốm... được bày trên tấm sạp gỗ mỏng cách mặt đất hơn một đốt ngón tay. Nhiều chiếc bình, lọ khác ở xung quanh thì được sắp đặt cao thấp lộn xộn khiến người xem rất khó quan sát và phân biệt điểm giống, khác nhau của từng chiếc. Trong phòng bốc lên mùi ẩm thấp khó chịu, bụi phủ dày trên các cổ vật. Nhìn vào gian phòng và cách bài trí như trên, có lẽ không ai có thể tưởng tượng nổi đây là những món đồ cổ rất có giá trị.
Người nắm rõ nhất lai lịch của những cổ vật này là chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng, ông Bùi Đức Òm. Ông Òm cho hay: “Những cổ vật này không xuất hiện trong nhà dân thường mà hầu hết đến từ các gia đình quan lang của dòng họ Đinh Công. Trống đồng, thạp gốm được coi như bảo vật của nhà lang. Nhà lang nào có nhiều trống, thạp thì quyền uy càng lớn”.
Kể về những bảo vật dòng tộc thất lạc của dòng tộc mình, ông Đinh Công Dũng, hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ quan lang Đinh Công ở Mường Động cho biết, những cổ vật ở xã là đồ dùng sinh hoạt hoặc tuỳ táng của dòng họ mình. Trong số cổ vật hiện tại ở trụ sở xã Vĩnh Đồng, ông Dũng nhận ra chiếc thạp gốm đã từng được dùng để đựng rượu ở nhà mình.
Nhận xét về giá trị cổ vật đang bị bỏ quên, xuống cấp tại xã Vĩnh Đồng, ông Lê Quốc Khánh, phó giám đốc bảo tàng Hoà Bình, cho hay qua những đợt thực địa mà nhân viên bảo tàng tỉnh kết hợp với viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành tại Mường Động thì ba chiếc trống đồng đặt ở UBND xã Vĩnh Đồng có niên đại trên 2.000 năm, thuộc đồ đồng Đông Sơn. Đặc biệt, theo ông Khánh, giá trị nhất là chiếc trống mà trên mặt có khắc bốn con cóc. Đây là chiếc trống đồng cực kỳ quý giá về lịch sử cũng như giá trị khảo cổ học.
“Hiện nay, qua các đợt sưu tầm, điền dã, bảo tàng Hoà Bình đã sưu tầm và trưng bày được gần 500 hiện vật mang về từ Mường Động, nhưng không có hiện vật nào quý giá như chiếc trống đồng trên mặt có khắc bốn con cóc. Những hiện vật gốm, sứ... khác đều có niên đại từ 200 – 800 năm từ thời Tiền Lê đến thời Nguyễn”.
Tuy những cổ vật ở xã Vĩnh Đồng có giá trị quý như vậy nhưng ông Khánh cho biết không thể mang về bảo tàng tỉnh để bảo tồn tốt hơn được, bởi lẽ: “Vĩnh Đồng và bảo tàng tỉnh là hai đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Luật Di sản quy định các cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hoá thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nếu không có dấu hiệu buôn bán thì không được trưng thu. Xã Vĩnh Đồng họ muốn giữ lại các cổ vật thì bên bảo tàng cũng không can thiệp được”.
Giải thích nguyên nhân những cổ vật nằm trong xã đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được bảo tồn kỹ lưỡng, ông Òm cho biết có những thời điểm người dân trong xã giao nộp rất nhiều nhưng xã lại không có nhân sự chuyên môn về bảo tồn nên những cổ vật này méo mó, hư hại cũng nhiều.
Khi tôi hỏi có thống kê đầy đủ nào về số lượng, lai lịch cụ thể từng cổ vật, ông Òm cho hay từ trước tới nay xã Vĩnh Đồng chưa bao giờ làm công việc này. Trước thực trạng cổ vật nằm tại UBND xã Vĩnh Đồng đã xuống cấp trầm trọng, ông Òm vẫn cho rằng việc giao nó lại cho các cơ quan có điều kiện bảo quản tốt hơn là không thoả đáng, vì “đây là những giá trị truyền thống để giáo dục con em trong xã”.
Vì không được quan tâm đầu tư thích đáng nên những cổ vật ở Vĩnh Đồng không những xuống cấp, hư hỏng mà đã hai lần bị trộm viếng thăm. Trong lần “viếng thăm” năm 1993, bọn trộm đã phá bức tường đá ong phía sau lấy đi hai chiếc trống đồng và nhiều bình, bát gốm. Trong lúc chúng đang tìm cách vận chuyển cổ vật khỏi địa bàn xã thì người dân phát hiện báo chính quyền, nhưng đến khi lực lượng công an xã có mặt thì bọn trộm đã kịp tẩu tán nhiều hiện vật, chỉ còn giữ lại được một chiếc trống đồng...