(HBĐT) - Trong cái lạnh se sắt của mùa đông vùng cao. Bên ánh lửa bập bùng và những chén rượu Mai Hạ mới cất nồng cay. Nếu thiếu đi vòng xòe tay nắm chặt tay, điệu múa Thái mềm mại hay tiếng khèn gọi bạn dập dìu thì có lẽ Mai Châu sẽ mất đi một phần sự thu hút, mời gọi du khách bốn phương.
Rời xa sự bon chen, xô bồ của phố thị, du khách ngược Thung Khe lên đến Mai Châu trước là vì một không gian yên bình, thoáng đãng, sau là vì một nền văn hoá Thái tinh tế, đậm đà những nét đẹp riêng. Du lịch Mai Châu đón khách quanh năm, nhưng rộn rã nhất là từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau. Đó cũng là mùa lạnh của vùng cao. Giữa bốn bề là núi, lũ trẻ vừa kịp lùa đàn trâu về chuồng thì màn đêm đã nhanh chóng buông xuống ôm trọn lấy thung lũng Mai Châu. Mọi hoạt động thăm quan bán mua như dừng lại, trả cho Mai Châu sự yên bình của đêm. Trên các nhà sàn du lịch của bản Văn, bản Lác, bản Poom Cọng…khi bữa cơm tối được dọn đi, nhà sàn rộng thênh thang đã sẵn sàng là sân khấu cho đêm vui Tây Bắc. “Nếu đã đến Mai Châu mà chưa được một lần đắm say trong vòng xoè của những cô gái Thái thì chưa phải là đã đến Mai Châu” - Lời giới thiệu của chị chủ nhà nhiệt tình, cởi mở càng khiến đoàn chúng tôi thêm tò mò và háo hức vì đêm văn nghệ tối nay.
Bài hát múa “Gĩa gạo đêm trăng” rộn ràng mở đầu đêm diễn. Có thoáng chút ngỡ ngàng trong ánh mắt những du khách khi tiết mục mở màn. Chiều nay, cô gái Thái chăm chỉ cặm cụi bên khung cửi dệt vải giờ xúng xính trong váy áo dân tộc bỗng trở nên duyên dáng, xinh xắn lạ thường. Hỏi ra mới biết, 100% diễn viên đội văn nghệ đều là “diễn viên nghiệp dư”, ban ngày vẫn lao động sản xuất bình thường, tối về mới tham gia văn nghệ phục vụ khách du lịch. Nhưng với thâm niên của mảnh đất du lịch gần 20 năm nay, những “đội văn nghệ nghiệp dư” này biểu diễn hấp dẫn không kém gì chuyên nghiệp. Không khí đêm văn nghệ dần được hâm nóng qua tiết mục “Múa xoè”. Vòng xoè cứ được mở rộng dần ra khi càng ngày càng có nhiều du khách muốn được hoà mình vào điệu múa, tiếng ca trong tiết mục văn nghệ đặc trưng văn hoá Thái. Nhà sàn nhỏ như rung theo tiếng cười, điệu nhảy rộn ràng. Chưa kịp ráo mồ hôi bởi “Múa xoè”, du khách tiếp tục bị cuốn vào “Múa sạp”. Lên với Mai Châu, có người còn chưa bao giờ nhìn thấy cây tre, cây nứa nhưng đã bị những bước nhảy rộn rã cuốn hút. Lần đầu tiên “nhảy sạp” không tránh khỏi sự bỡ ngỡ nhưng có hề chi khi các chàng trai, cô gái Thái đang nhiệt tình đưa tay ra hướng dẫn du khách từng bước nhảy. Cái nắm tay thật chặt không phân biệt già, trẻ, gái, trai nhún nhảy theo từng bước nhảy. Vòng xoè đã xoá tan mọi ngăn cách về văn hoá, ngôn ngữ. Bỏ lại sau lưng những lo toan, bộn bề, nơi đây chỉ còn hiện diện niềm vui, tiếng cười và sự phấn khích vui vẻ.
Sau phút giải lao của bài “Múa sạp” cả đội văn nghệ và du khách cùng nâng cao chén rượu Mai Hạ trong không gian ấm áp, thắm tình. Có thêm chút men say, đôi má cô gái Thái thêm ửng đỏ, chàng trai Thái thêm hăng say ca múa. Điều đặc biệt là mỗi tiết mục đều được biểu diễn bằng cả tiếng Thái và tiếng Kinh nên du khách vừa thưởng thức, vừa cổ vũ, vừa có cơ hội hiểu biết thêm về văn hoá các dân tộc. Trước đây, những tiết mục được đội văn nghệ lựa chọn biểu diễn phục vụ du khách thường chỉ là các tiết mục đặc trưng của dân tộc Thái nhưng nay đã có thêm một số bài hát, điệu múa độc đáo các dân tộc khác như: Hái bông (dân tộc Mường), Múa chuông (dân tộc Dao), Chợ tình bản Mông (dân tộc Mông)…làm phong phú thêm cho đêm diễn.
Tuy là “cây nhà lá vườn” nhưng có thể thấy các đội văn nghệ phục vụ khách du lịch ở Mai Châu đã có sự đầu tư nghiêm túc, kĩ lưỡng cả về việc chọn bài, luyện tập cho đến trang phục, đạo cụ. Đảm bảo giữ gìn và toát lên được chất dân tộc đặc sắc trong đó. Là một phần thú vị, hấp dẫn của du lịch Mai Châu nên trong mùa du lịch, các đội văn nghệ phải tích cực hoạt động “hết công suất” mới đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Với mỗi suất diễn dài khoảng 1,5 – 2 tiếng, đội sẽ được nhận 300 – 350.000 đồng thù lao. Sau khi trừ mọi chi phí tái đầu tư luyện tập, mua sắm trang phục thì mỗi người cũng thu nhập được khoảng 5 – 6 triệu đồng/năm. Anh Khà Văn Thiết - Đội trưởng đội văn nghệ bản Poom Cọng niềm nở chia sẻ: “Thành lập đội văn nghệ vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, thêm thu nhập cho anh, chị em. Lại có cơ hội giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc nên các đội văn nghệ luôn được duy trì và phát triển liên tục từ những năm 90 cho đến nay.”
Mải mê câu chuyện với anh Thiết, lúc ngoảnh lại thì đêm diễn đã đi đến tiết mục cuối cùng. Đó là bài hát múa “Lễ hội cầu mưa”. Đây là bài hát truyền thống với ý nghĩa mừng cơm mới của người Thái, bày tỏ lòng biết ơn đất trời đã ban mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Từng lời ca còn là ước nguyện may mắn, hạnh phúc, bình an gửi đến tất cả mọi người. Trong ánh mắt, nụ cười của từng cô gái, chàng trai bản Thái khi gửi lời cầu nguyện đến đất trời, sao bình yên và chân tình đến thế! Buổi diễn khép lại trong tiếng vỗ tay không ngừng và sự tiếc nuối khó nói nên lời. Đêm Mai Châu bình yên, tình người Mai Châu ấm áp, lời ca cô gái Thái trong vắt, dặt dìu và một chút men say rượu Mai Hạ êm dịu thư thả đưa chúng tôi vào giấc ngủ say.
Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay Mai Châu, xuôi Thung Khe với một niềm lưu luyến, xốn xang. Vội tìm lại trong máy ảnh những bức hình chụp được đêm qua. Có vòng xoè Thái bập bùng trong ánh lửa vùng cao như đang níu kéo, mời gọi bước chân du khách một ngày không xa quay trở lại…