DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

13/09/2017 00:00
Bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình hiện nay là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình không đơn giản là cung cấp, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật mà quan trọng hơn là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình.
Giao lưu truyền thông phòng chống bạo lực gia đình – một hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã tổ chức quán triệt, triển khai nhiều văn bản về công tác gia đình cũng như các Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; về bình đẳng giới; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020. Sở VH, TT&DL phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục về công tác gia đình, phóng sự tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức và hưởng ứng các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 gắn với Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình cho cán bộ các cấp; lồng ghép nhiều nội dung bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi có Quyết định số 2879/QĐ-BVHTTDL ngày 27/6/2008 của Bộ VH, TT&DL về việc triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành triển khai thí điểm xây dựng mô hình can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình năm 2008 tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn. Kết quả, từ tháng 10 đến tháng tháng 12/2008 tại địa bàn xã đã xảy ra 13 vụ. Năm 2009 xảy ra 27 vụ, đến năm 2010 do công tác tuyên truyền thường xuyên nên số vụ bạo lực đã giảm xuống còn 12 vụ.

Năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 520 vụ, năm 2016 giảm xuống còn 240 vụ, 6 tháng đầu năm 2017 có 128 vụ. Đối với các vụ việc trên, số nạn nhân bị bạo lực thân thể chiếm đa số vì có vết tích để lại, còn bạo lực về tinh thần và bạo lực về tình dục rất khó để phát hiện. Năm 2010, tỉnh ta thành lập 339 CLB gia đình phát triển bền vững, đến năm 2017 phát triển lên tới 920 CLB, chủ yếu hoạt động lồng ghép; 100% xã, phường, thị trấn có BCĐ phòng, chống bạo lực gia đình.

Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả các vấn đề về bình đẳng giới trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, Chỉ thị 29 ngày 29/3/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác gia đình trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 77 ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội coi đây là một biện pháp quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Chú trọng và xây dựng đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình ở các cấp, các ngành đặc biệt là ở cấp cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác QLNN trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh cũng như sự phối hợp giữa các ngành liên quan./.