Tại tỉnh tỉnh ta theo số liệu điều tra của đợt điền dã trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Bảo tàng tỉnh “Thống kê, đề xuất, giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử: đình, đền, chùa, miếu ở tỉnh Hòa Bình” vào tháng 5/2011 vừa qua, loại di tích đình có 82 điểm, chiếm 33% tổng số di tích đình, đền, chùa, miếu trong toàn tỉnh.
Qua khảo sát, ở tỉnh ta có 2 dân tộc có đình là người Mường và người Kinh. Các dân tộc còn lại, chúng tôi chưa tìm thấy dấu tích của đình.
Ngoài là nơi thờ thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm phục vụ cho mọi sinh hoạt thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của Hội đồng kỳ mục thời phong kiến; nơi hội họp của dân làng; đình còn là nơi khai diễn những nét tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về kiến trúc - chạm khắc và đình làng cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng, nơi dạy học cho con trẻ... Đó là nét văn hóa độc đáo của đình làng trong xã hội phong kiến Việt .
Hầu hết các làng, xóm Mường đều có đình, đình thờ thành hoàng, vị thánh được người Mường tôn vinh đó là người có công khai phá ruộng nương, chỉ bảo cho người dân làm ăn. Bên cạnh đó người Mường thường thờ Thánh Tản Viên, họ tôn kính coi Thánh Tản Viên là người có thể đi mây, về gió, ban phúc trừ tà. Trong 82 di tích đình của tỉnh có tới 20 đình thờ Tản Viên Sơn Thánh, 36 đình không rõ tên các vị thần được thờ (do nhiều nguyên nhân), 31 đình còn lại là thờ thành hoàng địa phương và các thiên thần, nhân thần được các đời vua phong sắc.
Đình làng ở tỉnh ta có thể được chia ra làm 3 loại cơ bản: đình Mường; đình Kinh và đình giao thoa giữa Kinh - Mường.
Đình Kinh: thường phân bố ở các huyện giáp ranh với đồng bằng như các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn với kiến trúc và nội dung sinh hoạt thuần chất như: đình Bá Lam - Cao Thắng, Lương Sơn; đình Đồng Sương - Thành Lập (Lương Sơn); đình Vôi - Thanh Nông (Lạc Thủy); đình Rị - Phú Thành (Lạc Thủy); đình Trung, đình Thượng - Yên Trị (Yên Thủy)... Các đình này có kiến trúc của đình làng truyền thống dưới xuôi (đồng bằng) thường có kiến trúc khá cầu kỳ, trạm trổ tinh vi với các đề tài tứ linh, tứ quý... thành hoàng làng được thờ vọng là các nhân thần hào kiệt, là các vị thiên thần có công cứu nước, cứu dân được muôn phương thờ cúng.
Đình Mường: là những ngôi đình thờ nhân thần người địa phương có công với làng với xóm, khi họ mất được nhân dân địa phương thờ cúng. Kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của địa phương kết cấu vì kèo đơn giản, không trang trí hoa văn cầu kỳ và thường là các ngôi nhà sàn nhỏ, mục đích để thờ cúng không nhằm mục đích sinh hoạt hội họp như đình Kinh. Loại đình này xưa có rất nhiều nhưng nay đã mất gần hết. Trong rất nhiều điểm khảo sát thì hầu hết các cụ cao tuổi trong các làng đều khẳng định xưa có đấy nhưng mất lâu rồi hiện chỉ còn điểm ra đình Chợ Nội, Tân Thành (Lương Sơn) thờ ông Lý Nghé, bà Lý Nghé, ông bà vỡ đất, vỡ nước, bà Bạch Cao Đẳng; đình Yên Lịch, Long Sơn (Lương Sơn); đình làng Bôi Cả, Nam Thượng thờ Nàng Thờm, là người địa phương khai thiên lập địa ra vùng đất này; đình làng Đầm Giàn - Sào Báy (Kim Bôi) thờ ông Bạch, ông Cán, ông Cháo (là những người khai lập ra vùng đất này)…
Đình giao thoa Kinh - Mường: Đây là dạng đình phổ biến nhất và chiếm đến 80% trong hệ thống di tích đình của ở tỉnh ta với các đặc điểm cơ bản kiến trúc nhà kiểu đình dưới đồng bằng: bờ nóc, bờ giải được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, các đầu dư, cốn được trang trí tỉ mỉ, hoa văn trạm thủng bong kênh, chủ đề tứ quý, tứ linh... nhân vật thờ thường là Tản Viên Sơn Thánh (được xem là vị vua tinh thần của người Mường ở tỉnh ta), Quốc Mẫu Hoàng Bà (mẹ của Tản Viên Sơn Thánh ), Sơn lâm công chúa (con gái của Tản Viên Sơn Thánh và Mỵ Nương)... hoặc các vị nhân thần người địa phương có công giúp nước cứu dân Mường... Những ngôi đình này ở tỉnh ta cũng không còn nhiều nhưng dấu tích vật chất của nó vẫn tồn tại (sắc phong, thần phả, các đồ thờ tự, nghi lễ lễ hội...). Phải kể đến đình Sủ Ngòi, xã Sủ Ngòi (TPHB); đình Sàm, xã Phú Lai (Yên Thủy), đình Song Huỳnh - Cao Thắng; đình Cời - Tân Vinh (Lương Sơn)...
Theo nguyên tắc chung khi xác định niên đại của di tích loại hình đình làng người ta dựa vào các yếu tố như: tài liệu chữ viết, tài liệu về các mảng kiến trúc, niên đại của một số đồ thờ tự và hành lễ (kiệu, bát kích, bát hương) và đặc biệt xem niên đại trong các bản sắc phong của các triều đại vua Việt Nam phong sắc cho đình. Qua nghiên cứu 82 ngôi đình ở tỉnh ta hiện nay chỉ còn lại 17 ngôi đình còn sắc phong, trong đó, 3 đình có sắc phong niên đại thời hậu Lê: sắc phong đình Cây Chim, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ có 11 bản sắc phong, trong đó sắc sớm nhất có niên đại Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772); đình Sàm, xã Phú Lai, huyện Yên Thuỷ có sắc phong sớm nhất niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783); đình Liêu, xã Ngọc Lương cũng huyện Yên Thuỷ có sắc phong sớm nhất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44. Còn hầu hết các sắc phong chủ yếu là của thời Nguyễn ở Việt tập trung nhiều trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX).
Từ những bằng chứng đưa ra có thể khẳng định đình làng ở tỉnh ta có tuổi sớm nhất vào thời hậu Lê thế kỷ XVIII và phát triển mạnh mẽ ở thời Nguyễn và bị tàn phá nặng nề trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta.
Hiện nay, qua điều tra số lượng đình được khôi phục lại vẫn còn khá khiêm tốn. Cả tỉnh không có ngôi đình nào được khôi phục quy mô đồ sộ như đình làng vùng đồng bằng. Hầu hết chỉ được khôi phục bằng cách xây một gian nhỏ để thờ. 12 ngôi đình được khôi phục theo kiến trúc nhà sàn. Số lượng đình chỉ còn lại nền móng đất chiếm khá nhiều.
Đình làng là một biểu trưng tinh thần của làng xã, ở đây lưu giữ tinh hoa văn hoá của nhân dân thuộc từng thời kỳ lịch sử, nhưng tiếc rằng số đình làng ở tỉnh ta tồn tại không nhiều. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân khôi phục lại những ngôi đình đã bị mai một. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những mái đình cong vút sẽ ẩn hiện sau các luỹ tre làng tại các thôn làng ở tỉnh ta để mỗi độ xuân về, đình làng lại là nơi hội tụ của những người con quê hương và đón những người con xa xứ trở về.