DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021 tại tỉnh Hòa Bình

14/05/2022 00:00
Chiều ngày 13/5, Đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021. Làm việc với đoàn, có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc

        Thực hiện Nghị định 830 của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã, Hoà Bình là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về kết quả triển khai, theo đó tỉnh đã giảm được 01 đơn vị hành chính cấp huyện, 59 đơn vị cấp xã, tương ứng giảm 28,1% so với trước khi sắp xếp. Sau sắp xếp, Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 151 đơn vị hành chính cấp xã; các địa phương đã thực hiện phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cũ trước đây một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn đô thị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính được quan tâm bằng việc bổ sung các quy hoạch đô thị. Việc chi trả chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp vẫn còn những khó khăn, bất cập. Theo đó, sau sắp xếp số lượng cán bộ công chức cấp xã dôi dư là 1.126 người, nhiều địa phương phải sử dụng 2 trụ sở làm việc dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa bảo đảm khuyến khích cán bộ, công chức dôi dư nghỉ việc, công tác vận động để cán bộ, công chức dôi dư thực hiện tinh giản còn gặp khó khăn. Tính đến ngày 12/5/2022, toàn tỉnh còn 305 cán bộ, công chức dôi dư tiếp tục cần giải quyết theo lộ trình từ nay đến năm 2024.

       Tại buổi làm việc, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022- 2030, kiến nghị với Trung ương tiếp tục quan tâm ban hành quy định sửa đổi bổ sung  tiêu chuẩn đơn vị hành chính, quy định phân loại đô thị đảm bảo tính ổn định lâu dài; quy định chính sách hỗ trợ chung đối với đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp… Góp phần đảm bảo quy mô làm việc thuận lợi cho cán bộ, Nhân dân khi đến giao tiếp, giải quyết thủ tục hành chính.

      Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu một số khó khăn hiện nay là sắp xếp số cán bộ dôi dư, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đặc biệt là việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập.

         Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2021 đạt hiệu quả cao. Đồng chí mong tỉnh Hòa Bình tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng đến tâm tư tình cảm của người dân sau sáp nhập. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, đoàn công tác ghi nhận để tổng hợp trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.