Ngày 6-5, tại Hà Nội, với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ QH đã bắt đầu phiên họp thứ 31. Ðến dự có đại diện nhiều cơ quan ở T.Ư có liên quan.
Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý hai dự án luật là: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ðây là các dự án luật sẽ được trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy sắp tới.
Về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này nêu rõ: Nhiều ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, NHNN Việt Nam trong việc quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ. Luật cần quy định thẩm quyền của Quốc hội sao cho vừa phù hợp quy định của Hiến pháp là "Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia", phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội, nhưng đồng thời bảo đảm tính chủ động của Chính phủ và NHNN trong điều hành CSTTQG. Qua thảo luận các ý kiến phát biểu còn băn khoăn về địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ðiều 2); mục tiêu hoạt động của NHNN và chính sách tiền tệ quốc gia (Ðiều 3), thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (Ðiều 4), và về lãi suất (Ðiều 13). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hằng năm sẽ không phù hợp với việc quy định về thẩm quyền Quốc hội là quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm do định hướng là một khái niệm rất chung. Mặt khác, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cần được xác định cụ thể. Do vậy, đề nghị cần quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm và giám sát việc thực hiện CSTTQG. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu rõ, dự thảo còn lúng túng trong việc xác định vai trò, trách nhiệm của NHNN giữa hai tư cách: Là Ngân hàng Trung ương và là thành viên của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng tán thành ý kiến nêu trên và cho rằng, cần xác định rõ chính sách tiền tệ quốc gia có nội hàm như thế nào để xác định cho rõ thẩm quyền quyết định của các cơ quan nói trên.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các ý kiến phát biểu tập trung vào ba vấn đề còn ý kiến khác nhau là: Giới hạn sở hữu cổ phần; việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác; quy định việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu.
Cũng trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.