DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Ủy ban nhân dân tỉnh họp thường kỳ tháng 10

10/11/2022 00:00
Ngày 9/11 , UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến toàn tỉnh hường kỳ tháng 10, xem xét cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình BTV Tỉnh ủy, văn kiện trình kỳ họp HĐND tỉnh; một số nội dung phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đánh giá: Năm 2022 UBND tỉnh đã linh hoạt chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế. Qua đó tình hình KT-XH của tỉnh đã được được những kết quả tích cực, toàn diện; dự kiến có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ GRDP ước đạt 9,38%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng/người, tổng thu NSNN ước đạt 6.410 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2022 ước đạt 33,42%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,2%; có thêm 6 xã về đích nông thôn mới….Công tác cải cách hành chính có nhiều cải cách tích cực; hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm trên nhiều lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm. Văn hóa – xã hội có nhiều mặt tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng cụm công nghiệp còn hạn chế dẫn tới việc thu hút các dự án vào hoạt động sản xuất trong cụm còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, trong năm đã có 150 DN đăng ký tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thu tiền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, sở, ngành đã báo cáo làm rõ thêm về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu KT-XH địa phương; tiến độ thu NSNN, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, khó khăn dẫn tới việc chậm giải ngân vốn ĐTC chủ yếu do: Một số nguồn vốn được giao chậm; công tác GPMB, tái định cư còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; chưa nhận được đồng thuận, nhất trí của một số hộ dân nên GPMB còn chậm. Các địa phương cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung để đẩy nhanh công tác GPMB, giải ngân vốn và hoàn thành thu NSNN trong năm 2022. Đối với tiến độ giải ngân vốn ĐTC của chung cả tỉnh, tới nay mới đạt 53%, nguyên nhân chậm giải ngân do vừa được Trung ương giao bổ sung thêm 1.346 tỷ. Về thu NSNN, để phấn đấu cả năm đạt 6.410 tỷ, từ nay tới cuối năm cần đẩy mạnh thu từ tiền sử dụng đất, dự kiến cả năm đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với kết quả tình hình KT-XH năm 2022, đề nghị các ngành rà soát lại một số chỉ tiêu, số liệu về thu NSNN, tỷ lệ bao phủ BHYT; đảm bảo cân đối và sát với tình hình thực tế. Chủ tịch yêu cầu việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 phải căn cứ vào số liệu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2022 và bám sát chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, đảm bảo việc xây dựng các chỉ tiêu phấn đấu phải phù hợp với thực tiễn địa phương và có khả năng đạt được. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị xây dựng 02 kịch bản phát triển KT-XH năm 2023, thích ứng linh hoạt với tình hình chung của đất nước và thế giới. Về nhiệm vụ từ nay tới cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát lại các chỉ tiêu, chủ động đôn đốc hoàn thành những phần việc, chỉ tiêu chưa đạt. Đối với các dự thảo, tờ trình tại cuộc họp, yêu cầu các ngành tiếp thu ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện./.