DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025

21/09/2021 00:00
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại là một trong bốn đột phá chiến lược đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu duy trì tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở mức 95%

Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giải quyết cơ bản những điểm nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Góp phần gìn giữ ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân nông thôn. Phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống Quốc lộ, hệ thống đường giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh từng bước cơ bản đạt quy mở theo quy hoạch được phê duyệt, một số tuyến quan trọng đạt tiêu chuẩn cấp III (hoàn thiện đường Hòa Bình - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đường cao tốc, đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), đường Quốc lộ 6, đường Quốc lộ 70B...). Đầu tư trọng điểm một số tuyến đường tỉnh có tính liên kết, kết nối vùng, tạo sự lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội (đường tỉnh 438B nối thành phố Hòa Bình - Kim Bôi; đường tỉnh 433; đường tỉnh 450; đường tỉnh 436...) cơ bản đáp ứng quy mô theo quy hoạch. Phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, sản xuất phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân. Quan tâm công tác duy tu, bảo trì các công trình giao thông đang khai thác.

Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành các dự án thủy lợi đa mục tiêu như: Dự án Hồ Cánh Tạng, đê ngăn lũ kết hợp giao thông Pheo - Chẹ, Kè Sông Bùi, Kè sông Bôi. Khởi công xây dựng hồ Thượng Tiến. Đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có (hồ đập, bai mương...) phấn đấu tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt đạt 55 - 60%; các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, đê điều đảm bảo an toàn phòng chống lũ, sạt lở đất, phục vụ tưới, tiêu; cải tạo, sửa chữa các công trình nước sạch đã được đầu tư. Mục tiêu đến năm 2025, cấp nước chủ động cho 50% diện tích gieo trồng cây hàng năm, trong đó giữ ổn dịnh diện tích tưới lúa; diện tích cây trồng cạn được tưới đạt 30 - 35%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 15%. Duy trì tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở mức 95%. Nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Giám sát chặt chẽ chất lượng nước mặt và không khí xung quanh các khu vực tập trung dân cư, chịu ảnh hưởng từ các nguồn thải tổng hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu tác động do ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải công nghiệp, giao thông vận tải… trên địa bàn tỉnh. Thiết lập bộ dữ liệu môi trường. Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô sản xuất lớn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm chính công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh./.