
Một số lĩnh vực có lợi thế được tỉnh ta xác định ưu tiên phát triển gồm có: Công nghiệp năng lượng điện (thủy điện); Công nghiệp dệt – may; Chế biến nông sản phục vụ nông nghiệp nông thôn (chế biến chè; rau quả chế biến; giết mổ gia súc; thức ăn chăn nuôi…); Sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, đá các loại, vật liệu xây dựng không nung,...); Cơ khí, sản xuất kim loại, điện tử; Chế biến thực phẩm (bia, rượu, nước giải khát); Các ngành nghề truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu (dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, rượu cần… và các đồ lưu niệm mang đặc trưng của Hòa Bình như: búp bê dân tộc, mô hình nhà sàn, nhạc cụ dân tộc...)
Theo đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Thứ nhất, xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế theo hướng tạo đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và có chi phí kinh doanh thấp, tuân thủ các nguyên tắc hỗ trợ theo WTO. Tập trung hỗ trợ đối với các lĩnh vực như: Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường: Hỗ trợ về công tác xúc tiến đầu tư; Hỗ trợ thiết kế sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ.; Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, sở hữu công nghiệp; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu ngành Công nghiệp theo định hướng phát triển các ngành nghề có lợi thế nêu trên. Tuy nhiên tái cơ cấu ngành Công nghiệp phải theo lộ trình và bước đi phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Đến năm 2020, cơ bản hình thành nền tảng để chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm chất lượng tăng trưởng.
Thứ ba, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng 05 KCN (Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà; Mông Hóa; Lạc Thịnh; Yên Quang); 07 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư (Chiềng Châu; Đông lai- Thanh Hối; Phú Thành; Phú Thành II, Hòa Sơn; Khoang U; Đồng Tâm). Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp như nhà ở công nhân, bệnh viện, trường học, trung tâm đào tạo nghề, khu thương mại, khu vui chơi, giải trí…để thu hút nhiều dự án vào khu công nghiệp và tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án đầu tư. Phát triển hạ tầng điện: Nâng cao chất lượng điện khu vực nông thôn; phát triển hệ thống lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ. Trong đó phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tích cực vào quá trình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật. Đào tạo lao động theo định hướng gắn với cầu lao động, cung cấp lao động có chất lượng về tay nghề, sức khoẻ, có kỷ luật, tác phong công nghiệp, có văn hóa…. Đặc biệt ưu tiên đào tạo cho đội ngũ lao động trẻ các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh như ngành thiết kế thời trang, điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo máy… để làm chủ các công nghệ được chuyển giao.
Thứ năm, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư. Quán triệt thống nhất hành động “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố, đảm bảo tập trung hỗ trợ và kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến nhà đầu tư trong phạm vi cho phép. Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong giải quyết và xử lý công việc, xóa bỏ các tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối chồng chéo. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được cấp giấy phép. Mở rộng cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp hoặc cố tình gây chậm trễ trong công tác giải quyết những khó khăn tồn tại của nhà đầu tư.
Thứ sáu, tăng cường công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2025, nhằm đảm bảo cho ngành công nghiệp phát triển đúng định hướng. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan sở, ban, ngành và các địa phương trong việc theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác liên kết phát triển công nghiệp với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.