DetailController

Khoa học - Môi trường

Ước mơ lên bờ của làng chài Tân Thịnh

15/10/2012 00:00

Không biết bao lâu nữa thì ước mơ lên bờ của người dân làng chài Tân Thịnh mới thành hiện thực. Việc được lên bờ, không chỉ giúp cho một thế hệ mà là nhiều thế hệ được đổi đời

Ước mơ lên bờ của làng chài Tân Thịnh Làng chài Tân Thịnh

Mở mắt đã thấy sông nước là hoàn cảnh của hơn 200 người dân xóm vạn chài Tân Thịnh, từ thời cha ông của họ đã sống dọc trên bờ sông Đà. Được tiếp nhận vào phường Tân Thịnh là niềm vui của cả xóm chài khi được kéo điện về, khi con em được lên bờ đi học. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn ở trên bến dưới đò, chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, thu nhập bấp bênh theo từng con nước. Gia đình bà Lê Thị Tôn ở làng chài phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình sinh sống chủ yếu trên 2 chiếc thuyền. Thu nhập bấp bênh, mấy đứa cháu nội của bà lúc nào cũng trong tình trạng phải nợ tiền học phí. Cuộc sống nhờ con tôm, con cá cũng chỉ đủ nuôi các cháu qua bữa.

Ở đây, đứa trẻ nào cũng phải đeo chiếc vỏ chai, để nếu chẳng may ngã xuống sông thì chai nổi lên, người lớn còn biết: “Đi sông nước thế này sợ các cháu chết đuối. Con trai tôi có 2 đứa con gái thì 1 đứa 4 tuổi bị chết đuối rồi nên tôi cũng lo” - bà Tôn cho biết. Ngay cạnh thuyền bà Tôn là nhà nổi của con trai ông Tám và cũng là cái khang trang bậc nhất nhì trong xóm vạn chài này. 85 tuổi, cả đời lênh đênh sông nước, ông Tám kể, ở cái xóm vạn chài hơn 200 người, chỉ có khoảng 5 cháu học hết lớp 12. Mà cuộc sống thì cứ bữa tối lo bữa sáng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, mong ước duy nhất của ông bây giờ là làm sao được lên bờ cho đời con cháu bớt cực. “Mong chờ Đảng và Nhà nước cho miếng đất để cho các cháu lên an cư lạc nghiệp. Chúng tôi cũng chẳng thích mặt đường, chỉ thích chỗ nào gần sông lấy con tôm con cá cho nó tiện giúp đời sống con cháu” - ông Ngô Văn Tám nói.

Ông Tám kể, ở xóm vạn chài này chỉ có 1 trường hợp duy nhất con gái làng chài lấy chồng trên bờ và vì vậy thoát được cuộc sống lênh đênh song nước. Giờ đây 100% dân làng chài đều có nguyện vọng lên bờ để an cư, và quan trọng nhất là lo cho tương lai con cái.

“Mong ước đầu tiên của chúng tôi là con cái được học hành, sau tính toán làm việc khác. Còn đời chúng tôi thì bám lấy sông nướ mà sống rồi”, ông Ngô Văn Thông, làng chài phường Tân Thịnh giãi bày.

Năm 2010, người dân địa phương đã nộp đơn xin cấp đất, nhưng khó khăn lớn nhất là bà con lại muốn được cấp đất tại khu vực phường Tân Thịnh vì giáp sông, thuận tiện cho đánh bắt. Tuy nhiên, đây đã là đất quy hoạch của tỉnh từ lâu. Trong khi đó, thành phố cũng có dự định cấp đất cho bà con ở một khu khác nhưng lại không gần sông.

Bà Hà Thị Hiền, Phó Chủ tịch phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Khu đất ven sông của phường Tân Thịnh không còn nên thành phố có giải pháp là đưa bà con về khu tái định cư thuộc xã Sủi Ngòi. Về đấy thì khó khăn cho bà con trong việc đánh bắt. Trăn trở lớn nhất của cấp chính quyền phường xã là nếu để bà con lên bờ thì phải nghiên cứu và tìm ra giải pháp để bà con có công ăn việc làm sau khi lên bờ”.

Chỉ một hai sải chèo nhưng làng chài Tân Thịnh lại là một thế giới tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động giữa phố phường. Nhiều thanh niên đến tuổi lao động ở cái xóm vạn chài này chưa biết làm cách nào để thoát khỏi cái nghiệp sông nước đã bám theo cha ông họ từ bao đời nay.

Tiếng là dân thành phố, nhưng người dân làng chài Tân Thịnh vẫn sống cùng sông nước. Không biết từ khi nào nhưng bao đời con cháu làng chài đã được sinh ra và lớn lên ở đây. Liệu bao lâu nữa thì ước mơ lên bờ của họ mới thành hiện thực, khi mà việc được lên bờ, không chỉ giúp cho một thế hệ mà là nhiều thế hệ được đổi đời.