Công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Thông qua các sự kiện về môi trường, như: Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3), Giờ Trái Đất, Ngày môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4 - 6/5), Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (20/9), Ngày Đa dạng sinh học (22/5); Ngày Đất ngập nước... Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia hưởng ứng, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các hoạt động tuyên truyền đã góp phần đưa các quy định của pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cũng như hình thành ý thức của mỗi người dân trong xã hội trong chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã rà soát, kịp thời xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy định thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, quy định của Trung ương về quản lý tài nguyên và môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Chấn chỉnh việc khai thác cát sỏi lòng sông đối với 3 tổ chức. Tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, nghiên cứu cơ chế cho phép kết hợp khai thác các giá trị kinh tế của rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống thiên tai trong đó xác định việc phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp chủ yếu. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc thu, nộp các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên; quan trắc, giám sát tài nguyên nước luôn được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch hàng năm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các nội dung về đô thị tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khu đô thị, chương trình phát triển đô thị... Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu các đô thị, giảm phát khí thải nhà kính gắn với những nội dung ưu tiên. Hiện nay tỉnh đang tiến hành triển khai dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình với sự tham gia của Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) và Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên địa phương đã lập các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp như các quy hoạch về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, thuỷ sản, tài nguyên nước, xây dựng, giao thông, du lịch,... Đồng thời thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường, như: Triển khai lắp đặt mô hình chiếu sáng bảo vệ trụ sở cơ quan sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp nối lưới, đèn chiếu sáng sử dụng bóng đèn LED có công suất nhỏ, tiết kiệm điện năng, giảm phát thải khí CO2. Việc triển khai chương trình chiếu sáng học đường sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao được lựa chọn thực hiện tại các địa điểm trường được xây dựng theo tiêu chuẩn nhưng hệ thống chiếu sáng không đáp ứng yêu cầu vì vậy ngoài việc giảm tiêu thụ điện năng, việc triển khai chương trình giúp học sinh được sử dụng ánh sáng đúng tiêu chuẩn, giảm phát nhiệt ra môi trường.
Nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thú đẩy năng lượng sạch được ban hành. Đến nay, các thành phần kinh tế đều được tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dự án thuỷ điện, với tổng công suất đã ký: 1.961,45 MW. Trong đó, có 9 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng công suất phát điện thực tế là 1.943,65 MW. Ngoài ra, các dự án xử lý nước thải được đầu tư xây dựng. Hiện tất cả các bệnh viện từ huyện tới tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy định. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp phân tán rải rác nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều chấp hành việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trước khi đi vào vận hành. Đến nay có 03/04 khu công nghiệp có cơ sở, doanh nghiệp hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường lồng ghép các mô hình kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải thực hiện hiệu quả tại địa phương. Qua đó, đã huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, từ các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân./.