DetailController

Quốc phòng - An ninh

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý vận tải, phương tiện, người lái

21/12/2022 00:00
Việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông là một nhu cầu cấp bách hiện nay. Nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ, trong những năm qua, việc quản lý, bảo trì, giám sát, xử phạt trong lĩnh vực giao thông đã mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều phương diện.
Công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe được Sở Giao thông vận tải áp dụng 100% bằng hệ thống chấm điểm tự động.

Hiện nay, tỉnh đang tích cực rà soát để cập nhật, tích hợp vào quy hoạch chung tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, triển khai các ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và tự động hóa trong kết nối hệ thống quản lý chất lượng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đánh giá năng lực khai thác, đảm bảo an toàn cho các công trình. Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt Hệ thống camera để cập nhật lưu lượng, tình hình giao thông trên đường, điều chỉnh thời gian hoạt động liên hoàn. Qua đó đã phát hiện và thông tin kịp thời cho các đơn vị, địa bàn về tình hình vi phạm mất trật tự an toàn giao thông để có biện pháp giải quyết.

Việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, quản lý, bảo trì công trình giao thông được cập nhật thường xuyên, đảm bảo phù hợp với định mức, điều kiện của tỉnh. Công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo hình thức đấu thầu 3 năm liên tục, đảm bảo các nhà thầu có đủ điều kiện năng lực tham gia các dự án công trình giao thông để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án công trình giao thông.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 14/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ thí điểm chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì của các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải, ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến để đổi mới công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thồng, hình thành nguồn nhân lực dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát hành trình đảm bảo truyền dẫn, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu theo quy định. Bố trí nhân viên thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện, tổng hợp các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện của đơn vị trong quá trình hoạt động. Kịp thời phát hiện và cảnh báo về tốc độ khi lái xe vi phạm quy định. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm để báo về Sở Giao thông vận tải để xử lý nghiêm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có tổng số 2.334 phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Trong đó có 171 phương tiện vận tải tuyến cố định, 103 xe buýt, 538 xe taxi, 374 xe hợp đồng và 1148 phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa.

Các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 đều thực hiện việc lắp đặt và sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và truyền tải dữ liệu liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1 bến xe loại 2, 1 bến xe loại 3 và 4 bến xe loại 4 đã lắp đặt và sử dụng phần mềm theo quy định. Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đối với các bến xe khách còn lại, đều phải có phương án trang bị phần mềm và thực hiện truyền dẫn dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe được Sở Giao thông vận tải áp dụng 100% bằng hệ thống chấm điểm tự động, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng chất lượng công tác đào tạo của học viên./.