Theo số liệu thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh thường xuyên ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin phục vụ giải quyết công việc đạt 92,2%. Tổng số công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách/kiêm nhiệm về công nghệ thông tin của tỉnh là 204 người. Trong đó, lực lượng chuyên trách là 39 người, lực lượng kiêm nhiệm là 165 người. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ cử nhân về công nghệ thông tin trở lên đạt 100%, cao hơn so với trung bình cả nước là 88,5%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm đã tham gia các chương trình, đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị về công nghệ thông tin đạt 80%. Đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh có trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó:
Từ năm 2022, các huyện, thành phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng đã thiết lập lực lượng triển khai công tác chuyển đổi số ở cấp cơ sở để thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các ứng dụng, dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.482 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xóm, 151 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với gần 13.000 thành viên. Đây là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp; đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, đưa người dân lên nền tảng số, người dân tiên phong sử dụng để thúc đẩy, dẫn dắt chính quyền.
Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức 9 lớp tập huấn cho khoảng 613 công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện. Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 16 lớp bồi dưỡng cho khoảng hơn 1.700 lượt công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã tham gia. Năm 2022, Sở đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số thông qua nền tảng đào tạo trực tuyến cho trên 1.000 lãnh đạo, cán bộ và gần 13.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân tham gia sử dụng các dịch vụ số trên môi trường mạng. Hàng năm, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các chương trình tập huấn, bồi dưỡng do cơ quan, đơn vị tự tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, hệ thống thông tin phục vụ người dân, tổ chức tham giai giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng đã giúp cho công chức, viên chức củng cố được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, góp phần tạo nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch ở chính quyền các cấp.
Toàn tỉnh đang duy trì 5 ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý công việc thường xuyên và phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, gồm: Hệ thống trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số chuyên dùng; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến và Hệ thống phòng họp không giấy tờ; Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành (IOC). Ngoài ra còn ứng dụng một số ứng dụng chuyên ngành khác.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ sử dụng để thực hiện công vụ, mà còn ứng dụng vào hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện đang duy trì 181 Trang thông tin điện tử thành viên của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đây là kênh thông tin chính thống giúp cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh tới người dân, tổ chức tra cứu, tìm hiểu trên môi trường mạng. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai sử dụng tại 100% các cơ quan Nhà nước. Hàng năm tiếp nhận và giải quyết trên 300.000 hồ sơ TTHC góp phần làm tăng hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội. Từ tháng 6/2022, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được thiết lập. Từ đó kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và đang cung cấp để công khai 1.384 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 85,27%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 625 TTHC có yêu cầu về nghĩa vụ tài chính và được triển khai thanh toán trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, số TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 84,23%; tỷ lệ hồ sơ có phát sinh thanh toán trực tuyến trung bình đạt 81,27%. Việc cung cấp DVCTT hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị tiết kiệm được thời gian đi lại cũng như thực hiện nhanh chóng, tiện lợi các TTHC ở mọi lúc, mợi nơi, giảm bớt chi phí thực hiện dịch vụ, theo dõi được quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan Nhà nước./.