Tỉnh Hòa Bình hiện có 10 huyện, 1 thành phố với tổng số 210 xã, phường, trị trấn, trong đó 92 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 117 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Trong năm 2016, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 135 với tổng nguồn vốn giao trên 142 tỷ đồng, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư và một số chính sách dân tộc khác đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định đời sống cho người nghèo vùng dân tộc miền núi. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện, các xã có đủ trường tiểu học và THCS; điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã , 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, 1005 xã có trạm y tế, cơ bản đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, do nguồn kinh phí thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi còn nhiều hạn chế, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn thiếu thốn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBDT quan tâm hỗ trợ vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho các dự án đặc thù của tỉnh như đã phê duyệt. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình 135, chính sách đặc thù theo quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT- XH vùng dân tộc và thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020 để địa phương có cơ sở thực hiện…
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Đinh Quế Hải, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hòa Bình trong việc thực hiện công tác dân tộc.Những mặt tích cực mà chính sách dân tộc thực hiện trên địa bàn đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới đồng chí lưu ý tỉnh Hòa Bình cần cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong xây dựng triển khai các chính sách dân tộc tại địa phương. Đặc biệt cần ưu tiên thực hiện công tác hỗ trợ tái định cư, phát triển kinh kế cho vùng đồng bào lòng hồ sông Đà. Đối với những kiến nghị của tỉnh, Ủy ban Dân tộc ghi nhận và sẽ trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới./.