Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 05/3/2019, tại hộ nhà ông Mai Xuân Trường, xóm Cáp, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn xuất hiện lợn ốm, chết. Do nghi lợn mắc bệnh DTLCP, nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm bệnh. Kết quả 02/06 mẫu dương tính với bệnh DTLCP.
Trước tình hình bệnh DTLCP xuất hiện tại xóm Cáp, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBNĐ huyện, các ban, ngành, địa phương tiến hành tiêu hủy 15 con lợn tại hộ gia đình ông Mai Xuân Trường; cấp 2 tấn vôi bột và 100 lít thuốc để khử trùng tiêu độc đường làng, ngõ xóm, cống rãnh tại khu vực có dịch. Đồng thời quyết liệt triển khai các nội dung: công bố dịch theo quy định; kiện toàn BCĐ phòng chống dịch bệnh của huyện, chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y, UBND các xã có dịch thành lập BCĐ đôn đốc thực hiện khoanh vùng, bao vây, dập dịch. Tổ chức tiêu hủy 100% các loại lợn trong ổ dịch; cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra vào ổ dịch. Huy động nhân lực tại chỗ thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi gia súc, gia cầm và môi trường chăn nuôi tại khu vực ổ dịch, đồng thời rắc vôi bột toàn bộ đường làng, ngõ xóm và hệ thống cống, rãnh thoát nước…Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các trục đường làng, ngõ xóm, hạn chế người qua lại, phun khử trùng tiêu độc tất cả các loại phương tiện đi qua chốt. Đẩy mạnh các biện pháp thông tin, tuyên truyền, tránh gây hoang mang và tẩy chay sản phẩm của lợn (bệnh không lây sang người) và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường.
Đối với những vùng giáp danh, huy động nhân lực tại chỗ thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi gia súc, gia cầm và môi trường chăn nuôi, trong phạm vi 10Km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tuần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch; rắc vôi bột toàn bộ đường làng, ngõ xóm và hệ thống cống, rãnh thoát nước. Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu để chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh.
Hội nghị cũng đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân lân lay bệnh DTLCP để có các giải pháp phù hợp khống chế bệnh; các đại biểu tại các điểm cầu cũng thể hiện sự nhất trí cao đối với các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần khẩn trương, cấp bách nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, không để lây lan, sớm dập dịch càng nhanh càng tốt; cần quyết liệt trong chỉ đạo và đồng bộ triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn đặc biệt tại các chốt kiểm dịch tạm thời cũng như vùng trọng điểm như: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn; thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng. Tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, phải có các giải pháp cụ thể, bố trí thêm nhân lực kiểm tra, kiểm soát, theo dõi đàn lợn. Tuyên truyền để người chăn nuôi biết và chủ động phòng chống, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường. UBND huyện Lương Sơn phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện khoanh vùng dịch, không để lây lan sang vùng lân cận. Hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi để phục vụ cho công tác chống dịch; theo chủ trương của Chính phủ, sẽ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi 80% theo giá thị trường đối với đàn lợn buộc phải tiêu hủy…/.