Theo rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 15.000 người khuyết tật (trong đó đối tượng là thương binh, bệnh binh và người bị tai nạn lao động hơn 2.000 người; đối tượng khuyết tật xã hội là 13.169 người).
Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong Kế hoạch để nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của bản thân, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của xã hội, của các cấp, các ngành trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật góp phần xây dựng một cộng đồng, xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn đến quyền lợi của người khuyết tật trong tỉnh.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2013-2015:
Phấn đấu hằng năm, 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 95% người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận người khuyết tật, hơn 90% người khuyết tật đủ điều kiện được trợ cấp xã hội thường xuyên; 1.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 60% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 500 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; Ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; Ít nhất 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 20% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 25% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao; 90% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 30% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020:
Phấn đấu hằng năm, 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 100% người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận người khuyết tật, hơn 95% người khuyết tật đủ điều kiện được trợ cấp xã hội thường xuyên; 1.500 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 70% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 2.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; Ít nhất 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; 30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 40% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao; 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 80% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 60% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
Đối tượng thực hiện: Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh theo Luật Người khuyết tật là người khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận hoặc suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; Hộ gia đình có người khuyết tật; các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người khuyết tật.
Các giải pháp chủ yếu: Phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Trợ giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; tiếp cận các chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp pháp lý: hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật. Điều tra, rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật.ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai Kế hoạch; tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch theo quy định.