Theo nhịp sống của thời đại, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc. Xác định khơi nguồn lại văn hóa đọc là điều cần thiết nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết cho phụ nữ, đặc biệt là chị em hội viên ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể tới xây dựng tủ sách phụ nữ ở cơ sở và đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Đầu năm 2010, Hội LHPN tỉnh có văn bản hướng dẫn xây dựng tủ sách phụ nữ gửi cơ sở. Trong đó, phần mục đích, yêu cầu nêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2011, mỗi cơ sở hội có 1 tủ sách hoặc 1 ô, 1 ngăn sách của Hội nằm trong tủ sách chung của xã, phường, thị trấn. Việc xây dựng tủ sách là nhằm tạo thói quen và từng bước hình thành nhu cầu đọc sách trong cán bộ, hội viên phụ nữ. Bởi vậy, việc sử dụng tủ sách cần đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và phù hợp với địa bàn, đối tượng cán bộ, hội viên. Hội phụ nữ các huyện, thành phố được chỉ đạo xã hội hóa xây dựng tủ sách phụ nữ thông qua các hoạt động như: tham mưu, xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, khai thác nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn, vận động các doanh nghiệp tài trợ hỗ trợ... Một mặt, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt tại cơ sở về tuyên truyền, vận động hội viên đọc sách, cách quản lý và vận hành tủ sách cơ sở. Vận động hội viên hưởng ứng phong trào "mỗi người góp 1 quyển sách để đọc được nhiều quyển" và "Phụ nữ tích cực đọc sách để làm giàu cho mình". Đồng thời, đưa nội dung xây dựng tủ sách, phong trào đọc sách vào tiêu chí thi đua - khen thưởng hàng năm. Kịp thời phát hiện, biểu dương những cơ sở hội có thành tích tốt trong xây dựng tủ sách và những cán bộ, hội viên tiêu biểu trong phong trào đọc sách, áp dụng những kiến thức đã đọc vào cuộc sống.
Hội phụ nữ cấp cơ sở, nơi nào đã có tủ sách chú ý tới tập hợp số đầu sách, tài liệu có từ các nguồn để làm phong phú thêm tủ sách. Những cơ sở chưa có điều kiện xây dựng tủ sách riêng tạo 1 ngăn sách, ô sách của Hội trong tủ sách chung của địa phương. Xây dựng ý thức sưu tầm, lưu giữ, bảo quản sắp xếp sách, báo, tài liệu khoa học . Mở sổ theo dõi mượn, trả sách, báo, tài liệu trong đội ngũ cán bộ hội. Chọn các tin, bài phù hợp trong sách, báo để đọc trong các buổi sinh hoạt, tạo không khí sôi nổi.
Qua 1 năm triển khai, thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 564 tủ sách, trong đó, nhiều cơ sở có tủ sách riêng, một số cơ sở vì điều kiện kinh phí hạn hẹp chưa trang bị được tủ sách nên trưng bày chung cùng với các ngành, đoàn thể trong xã.
Nhờ có sự hỗ trợ của dự án CARE quốc tế tại Việt Nam, Hội Phụ nữ Lạc Sơn đã xây dựng được 64 tủ sách phụ nữ phong phú về chủng loại sách, báo, tạp chí ở các xã Xuất Hóa, Nhân Nghĩa, Vũ Lâm. Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lạc Sơn cho biết: Từ khi xây dựng được tủ sách, đã 2 năm nay, chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt trong các CLB pháp luật và đời sống, ở các xã này đã hình thành thói quen đọc sách. Cùng nhau đọc sách, báo trong mỗi buổi sinh hoạt Hội, CLB hàng tháng, hàng quý, chị em còn mạnh dạn đến mượn sách về nhà để đọc. Những loại sách được chị em quan tâm gồm sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các tài liệu như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân, gia đình, Luật Bảo vệ bà mẹ trẻ em. Đọc sách, giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng hiểu biết để phục vụ cho bản thân và gia đình. Đồng thời, có sự phản biện cần thiết đối với cộng đồng, xã hội để phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực.
Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo cơ sở thức hiện, chị Bùi Thị Dung, Phó Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh chia sẻ: cùng với thực hiện đề án cấp báo miễn phí cho Hội phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng tủ sách phụ nữ ở cơ sở đã, đang góp phần khơi nguồn lại văn hóa đọc cho chị em phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung. Đây là việc làm cần thiết và có ý nghĩa để góp phần nâng cao kiến thức, năng lực về mọi mặt cho chị em phụ nữ ở tỉnh ta- một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, không đồng đều nghiêng hẳn về phía những người phụ nữ.