DetailController

Văn hóa

Truyền thuyết “vua khỉ” Việt Nam

09/12/2010 00:00
Năm nay vừa tròn 55 tuổi đời, nhưng truyền nhân của “vua xiếc” Việt Nam, NSƯT Tạ Duy Nhẫn, đã có trên 40 năm tuổi nghề. Ngần ấy năm cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với nhiều loài thú dữ như: hổ, gấu, trăn, rắng, ngưa và nhất là khỉ… nên ông được bạn bè và đồng nghiệp gọi với tên trìu mến là “vua khỉ”.

“Vua khỉ” truyền nhân của “Vua xiếc”
Ông Nhẫn bên tượng cha.

Người ta thường nói: Dưới một cây đại thụ thì không thể có một cây đại thụ khác. Nhưng câu nói này đã không đúng đối với trường hợp của Nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Nhẫn người được mệnh danh là “vua khỉ” là con trai của “vua xiếc” Tạ Duy Hiển, người sáng lập ra ngành xiếc Việt Nam.

Xúc động kể về người thầy, người cha của mình ông Nhẫn cho biết: “Cha tôi là một người có tính kỷ luật rất cao trong nghề xiếc, ông làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đặc biệt là ông rất yêu thương và coi những con vật trong rạp xiếc như người bạn, như một nghệ sỹ, như một đồng nghiệp của mình. Có lẽ tôi được thừa hưởng đức tính đó của cha mình”.

Từ lúc mới 5 tuổi, ông Nhẫn đã được cha cho tập những động tác cơ bản như uốn dẻo, tung hứng và rèn luện tính kiên trì. Đến lúc lên 9 tuổi, ông được vào tham gia tập luyện bài bản và làm quen với các động tác diễn ở rạp xiếc. Chưa đầy 4 năm sau, lúc ông mới 13 tuổi ông đã là một diễn viên xiếc có thể diễn thành thục những tiết mục khó trên sàn diễn.

Đặc biệt là trong quá trình rèn luyện và biểu diễn, điều khiến ông tò mò và thích thú nhất vẫn là những con thú đáng yêu và rất thông minh của cha mình như gấu, ngựa, trăn,rắn và đặc biệt là loài khỉ tinh nghịch.

Ông Nhẫn nói: “Ngay từ nhỏ tôi đã rất yêu động vật, và luôn coi chúng như những người bạn, như một thành viên trong gia đình. Tuy là vật nhưng chúng cũng có tình cảm, có tâm tư riêng, nên có gần gũi nó, cùng ăn, cùng ngủ với nó mới hiểu hết được tính cách, tình cảm của nó. Và vì biết tôi yêu động vật nên ông cụ đã định hướng tôi theo ngành xiếc thú”.

Kể lại những ngày đầu mới hướng dẫn thú, ông đã gặp không ít khó khăn khi chưa hiểu hết được bản chất và tính cách của từng loài. Ông nhớ lại: “Hồi mới làm quen với chúng, tôi đã ngày đêm túc trực bên bên mấy cái chuồng nuôi thú của rạp xiếc để cho chúng ăn, lau chùi quét dọn chuồng trại cho chúng. Vì chưa quen nên ngày ấy tôi bị một con khỉ lớn có răng nanh cắt vào cánh tay phải đi khâu mười mấy mũi. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày mới chập chững bước vào nghề của tôi”.

“Cha tôi là người khai phá bộ môn xiếc thú. Nên tôi sẽ cố hết sức mình làm cho bộ môn xiếc thú thăng hoa trong nước và cả trên trường quốc tế”-Ông Nhẫn tâm sự. Ngoài những con thú có sẵn trong rạp xiếc, ông cũng không ngần ngại đường xa hay băng rừng lội núi để kiếm được những con vật thông minh và quý đem về phục vụ diễn xiếc. Từ năm 1990 khi Liên đoàn xiếc VN bắt tay xây dựng rạp xiếc trung ương, ông đã lặn lội vào tận Tây Nguyên để tìm kiếm những chú voi rừng về làm “bạn diễn”. Và cặp voi ông lặn lội đi mua về huấn luyện đó đã đi cùng ông suốt gần 17 năm lưu diễn trên sân khấu.

Không giấu vẻ tự hào, ông Nhẫn kể lại cái ngày ông được vinh danh là “vua khỉ”. Đó là một này vào năm 1990 khi ông đang đi lưu diễn ở Liên hoan xiếc Ba Lan. Tiết mục ông diễn được hoan nghênh. Trong đó trò khỉ đi xe xích lô là trò ông nghĩ ra đầu tiên trên thế giới, sau khi biểu diễn xong, khán giả hết sức trầm trồ và vỗ tay khen ngợi hết lời. Trong lần đó riêng tiết mục khỉ ông đã phải diễn đi diễn lại đên ba, bốn lần trong một ngày.

Khi kể về những con vật này ông thường kể như nó là một phần tình cảm, một phần ký ức, tình yêu trong ông. Ông kể về chú khỉ đạp xích lô đã mang lại tên tuổi cho ông: “đó là chú khỉ bị tật ở chân không thể điều khiển được xe đạp được giống như những chú khỉ khác. Vì vậy, ông đã huấn luyện chú khỉ này đạp xích lô. Và đó là chú khỉ duy nhất biết đạp xích lô và nó cũng cống hiến nhiều năm nhất trong số những con khỉ mà ông đã đưa về đây”. Tiết mục khỉ đạp xích lô ấy cũng đã gây kinh ngạc cho không ít bạn diễn ở nước ngoài.

Nhưng ông thật sự buồn khi kể về ngày ra đi của chú khỉ, “bạn diễn” của ông: “Vì phải đi diễn nhiều, hít phải nhiều khói xe nên nó bị viêm phổi nặng. Còn nhớ hôm đó tôi đã đi mua thuốc về tiêm cho nó rồi để nó nằm nghỉ nhưng nó cứ sà vào lòng tôi, nằm được một lúc thì mắt nó lim dim rồi chết”.- Kể đến đây mắt ông như có nước.

Nỗi buồn “vua khỉ”

Kể về cuộc đời và sự nghiệp đáng kính của người cha và những giây phút thăng hoa của bản thân là vậy, nhưng giọng ông chùng xuống khi hỏi về tương lai của ngành xiếc.

Ông nói: “Ngành xiếc bây giờ bị người ta coi rẻ quá, buồn tủi về đời sống quá khó khăn của những người nghệ sỹ diễn xiếc. Phải người yêu nghề lắm mới trụ được đến ngày hôm nay đấy”.

Ông cho biết: Làm trong nghề hơn 40 năm nhưng lương của ông bây giờ chỉ được hơn ba triệu đồng, ngoài ra không có khoản gì khác. Lý giải cho bậc lương của mình ông nói, “bây giờ người ta coi trọng bằng cấp quá, nhưng làm xiếc là làm nghệ thuật. Trường lớp nào có thể đào tạo tốt hơn sân diễn. Tôi theo nghề từ năm chín tuổi và phấn đấu hết mình từ ngày đó. Nhưng đến bây giờ dù tên tuổi tôi đã được khẳng định nhưng vẫn là một kẻ không bằng cấp. Nên bậc lương của tôi chẳng bằng ai”.

Khi được hỏi ông có ý định đào tạo một truyền nhân nào cho mình không thì ông cười mà như mếu, ông nói: Ngày trước có một cô bé ở Hòa Bình rất có tố chất. Tôi đã định bụng sẽ đào tạo cô bé này thành một nghệ nhân như bao thế hệ đàn anh. Nhưng vì cuộc sống khắc nghiệt của nghề mà cô bé đã phải bỏ đi lựa chọn nghề khác.

Bây giờ ông Nhẫn đã gần đến tuổi về hưu, ông có đứa cháu nội rất có năng khiếu diễn xiếc nhưng có điều, chắc chắn bô mẹ cháu sẽ không cho cháu theo cái nghề này nữa.