Đưa chúng tôi đi thăm phòng học tiếng Anh, phòng tin học với các trang thiết bị hiện đại, đồng chí Đinh Thị Thanh Tươi, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng THPT Lạc Sơn phấn khởi cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và nhân dân trên địa bàn huyện đã quan tâm, chung tay xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho nhà trường. Trường hiện có 24 phòng học, 11 phòng làm việc; hệ thống phòng tin học, phòng học tiếng Anh, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm… được trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12/2016.
Nhà trường hiện có 63 cán bộ, giáo viên, trong đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn trình độ. Nhà trường hiện có 4 thạc sĩ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường tiếp tục được phát huy và khẳng định. Năm học 2016 – 2017, toàn trường không có học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình, học sinh có hạnh kiểm tốt chiếm 91,5%; học sinh học lực khá, giỏi chiếm gần 48%, tỷ lệ học sinh học lực kém còn 2,8%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt với 68 giải học sinh giỏi cấp tỉnh bậc THPT, trong đó có 6 giải nhất.
Một trong những điểm nổi bật của trường THPT Lạc Sơn là công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh người dân tộc thiểu số. Đồng chí Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh đã và đang học tập tại trường, đặc biệt là học sinh dân tộc ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm học 1966 – 1967 có khoảng 100 học sinh dân tộc học tại trường, đến nay thường xuyên có 700 - 800 học sinh dân tộc, chiếm gần 80% tổng số học sinh toàn trường. Hàng năm, số lượng học sinh giỏi là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 65% học sinh đoạt giải; học sinh là người dân tộc thiểu số chuyên cần, chuyển lớp đạt tỷ lệ 99,5% trở lên (tỷ lệ này trước đây chỉ đạt 95%). Đặc biệt là học sinh các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 học hết THCS, thi đỗ và theo học THPT đạt trên 80% (trước đây tỷ lệ này chỉ đạt trên 50%).
Kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số cũng được nâng lên rõ rệt. Hàng năm có 99% học sinh người dân tộc thiểu số đạt hạnh kiểm khá, tốt; 51% học lực khá, giỏi. Nhà trường đã tổ chức các buổi học phụ đạo, dạy miễn phí cho học sinh yếu, gia đình khó khăn; áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, vừa kịp thời phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung, học sinh dân tộc thiểu số nói riêng.
Với những thành tích đã đạt được, kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước tặng thưởng.
|