Trong năm 2010, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Trung tâm KN tỉnh đã tổ chức chỉ đạo xây dựng được 140 mô hình với 209 điểm trình diễn khuyến nông cho 4.191 hộ nông dân tham gia với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng.
Nhiều mô hình sau khi triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính ứng dụng rộng rãi, được nhân dân hưởng ứng tham gia và người dân ngày càng tin tưởng vào công tác KN và coi việc học hỏi, áp dụng những cách làm mới là nhu cầu không thể thiếu trong sản xuất nông-lâm nghiệp. Công tác khuyến nông đã được xã hội hóa, hoạt động khuyến nông không còn là việc của riêng cán bộ khuyến nông mà đã được toàn xã hội quan tâm. Mạng lưới khuyến nông được kiện toàn, đi vào hoạt động, chuyển tải nhiều kiến thức KH-KT, tiến bộ đến nông dân thông qua các hình thức khuyến nông khác nhau. Việc xây dựng, duy trì tốt hoạt động của CLB khuyến nông, nhóm hộ cùng sở thích, chuyển giao kỹ thuật lồng ghép thông qua các tổ chức đoàn, hội, phối hợp các dự án, chương trình trọng điểm. Các đơn vị kinh doanh giống, vật tư đã góp phần phát huy được nội lực của địa phương trong sản xuất nông - lâm nghiệp, là cầu nối với tổ chức, đơn vị trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Các mô hình ngày càng được mở rộng, đa dạng và có nhiều loại mô hình mới về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và các mô hình khuyến công. Nhìn chung, các loại mô hình đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, ngành và điều kiện cụ thể của các huyện, TP tập trung khuyến cáo tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa, ngô lai như đưa giống mới, giống lúa, ngô lai chất lượng cao nhằm đảm bảo an ninh lương thực, từng bước tạo vùng thâm canh sản xuất mang tính hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình đã mạnh dạn áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong khuyến nông như phương pháp PTD, phương pháp lớp học hiện trường, phương pháp xây dựng kế hoạch có sự tham gia, phương pháp đánh giá có sự tham gia... nên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo tiền đề vững chắc cho lan rộng các mô hình. Nhiều mô hình đã cho thu nhập cao như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, lợn đặc sản; trồng bí xanh an toàn. Đặc biệt có mô hình cho thu nhập 200 triệu đồng/ha như mô hình phát triển cây tỏi tía đặc sản ở xã Bắc Sơn (Tân Lạc).
Năm qua, hệ thống KN tỉnh đã góp phần đáng kể vào hỗ trợ người dân tăng thu nhập, giải quyết vững chắc an ninh lương thực, phát triển các giống cây trồng - vật nuôi mới phù hợp, có giá trị cao, khai thác tốt các thế mạnh của tỉnh, từng bước tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH.