Luật Giám định tư pháp năm 2020 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Luật Giám định tư pháp năm 2012 cụ thể như: điều mới 26a (về thời gian giám định); 8 điều được sửa đổi, bổ sung (gồm: điều 10, điều 20, điều 24, điều 25, điều 31, điều 32, điều 36, điều 41); sửa đổi, bổ sung 22 khoản và 9 điểm; bổ sung 4 khoản và 4 điểm mới.
Theo đó, những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung của Luật giám định tư pháp năm 2020 như: phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực khoa học hình sự đó là Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; trưng cầu giám định và thời hạn giám định tư pháp….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật này, ngày 24/9 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ – TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2020 với 9 nhóm nhiệm vụ: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan tới giám định tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật… Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, hiện một số Bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai thi hành Luật ở đơn vị mình. Tuy vậy, để đẩy mạnh việc triển khai Luật trên thực tế, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quan tâm, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc những nhiệm vụ đã được Luật quy định, nội dung công việc đã được Chính phủ giao. Đặc biệt là công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương mình./.