DetailController

Kinh tế

Trồng và bảo vệ rừng để phát triển bền vững

10/03/2022 00:00
Tỉnh Hòa Bình có diện tích rừng tự nhiên khoảng trên 459 nghìn ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 298 nghìn ha, chiếm 65%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn ha, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: Rừng tự nhiên trên 28 nghìn ha, rừng trồng trên 69 nghìn ha, đất trống hơn 51 nghìn ha. Độ che phủ rừng đạt trên 50%. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho phần lớn dân cư nông thôn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tích cực trồng và bảo vệ rừng, đưa nghề rừng trở thành nghề có giá trị kinh tế cao, bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong quý I năm nay, toàn tỉnh đã trồng được 239,07 ha trừng trồng tập trung và 64.000 cây phân tán. Các địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát hiện trường, chuẩn bị vật tư, vật liệu sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2022. Riêng trong quý I đã thực hiện khai thác trên 385 ha rừng trồng tập trung với khối lượng trên 32 nghìn m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 3.578 m3 gỗ, trên 46 nghìn ste củi, hơn 738 nghìn cây tre, bương, luồng, giang, nứa, hơn 138 tấn dược liệu…..Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 134 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 214 cơ sở chế biến lâm sản với khối lượng sản xuất trong kỳ là trên 3.200 m3 đồ mộc, trên 36 nghìn tấn dăm băm, hơn 24 nghìn m3 ván ép, trên 1.000 tấn bột giấy,…giá trị hàng hóa ước đạt hơn 320 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu ước đạt trên 126 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa ước đạt khoảng 195 tỷ đồng.

Cùng với đó công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường. Lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ mua bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhìn chung, do làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên trong quý I trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững. Tuy vậy, trong quý trên địa bàn vẫn xảy ra vi phạm về quản lý lâm sản, lực lượng chức năng đã xử lý 03 vụ vi phạm, nộp phạt 22,75 triệu đồng vào ngân sách nhà nước. Mặt khác, công tác phát triển rừng sản xuất của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế từ rừng trồng còn khá thấp so với bình quân vùng và cả nước, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 77% diện tích đất nông nghiệp nhưng đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 11,2%. Chất lượng gỗ khai thác không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng; kiểm tra, thanh tra phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tăng cường chăm sóc cây giống để trồng rừng đạt tỷ lệ sống cao. Tỉnh phấn đấu năm 2022 trồng khoảng 5.720 ha rừng tập trung, tổ chức chăm sóc cây trồng và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Riêng trong tết trồng cây năm nay, toàn tỉnh trồng được khoảng 2,2 triệu cây xanh. Về lâu dài, tập trung trồng rừng theo hướng phát triển bền vững rừng sản xuất, đưa nghề rừng thực sự trở thành nghề có giá trị kinh tế cao theo tinh thần Nghị quyết số 27, ngày 30/7/2020 của Tỉnh ủy. Phấn đấu đến năm 2025 duy trì độ che phủ rừng hằng năm trên 50%, có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang rừng trồng gỗ kinh doanh gỗ lớn, 6 nghìn ha trồng mới, thâm canh và trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao; 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần; sản lượng gỗ đạt trung bình 150m3/ha/chu kỳ gỗ lớn; giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần; đóng góp 16% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản./.