Từ loại cây truyền thống trồng lấy gỗ dựng nhà sàn nay được người dân chuyển đổi cách thức trồng để thành cây lấy hạt, hạt đổi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, Hợp tác xã Cung ứng giống Cây Dổi và Dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo (HTX Chí Đạo) đóng vai trò quan trong việc xúc tiến xây dựng thương hiệu và khẳng định giá trị đặc sản của địa phương. Bằng sự nỗ lực và bền bỉ, đến nay, sản phẩm hạt dổi của HTX Chí Đạo đã có bao bì, nhãn mác, có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, vừa qua, Hạt Dổi Lạc Sơn đã được Chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giữ gìn thương hiệu và quảng bá sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển thương hiệu, thời gian qua, HTX Chí Đạo đã tham gia nhiều hộ chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tại các hội chợ, HTX đều đưa Hạt Dổi và sản phẩm Muối Dổi Lạc Sơn giới thiệu với người tiêu dùng. Muối Dổi Lạc Sơn là thứ gia vị mà chỉ ở xứ Mường mới có được bà con chế biến từ hạt dổi đóng lọ. Các mế Mường nơi đây có bí quyết để chế biến Muối Dổi. Thứ gia vị, mở lắp lọ ra khiến ai cũng bị mê mệt bởi mùi thơm lừng của Hạt Dổi. Ai đã ăn một lần là nhớ mãi. Giờ đây, muối dổi xứ Mường đã bắt đầu có mặt trên kệ của nhiều siêu thị trên cả nước. Mặt hàng này đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và được tiêu thụ khá mạnh ở các siêu thị. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, HTX Chí Đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào Mường nơi đây. HTX thường xuyên phổ biến cho các hội viên ý thức bảo vệ chất lượng hạt dổi của địa phương trước sự xâm nhập của các loại Hạt Dổi tràn lan trên thị trường. Đồng thời, khuyến cáo các thành viên HTX không vì lợi nhuận mà bảo quản, chế biến Hạt Dổi không đúng quy cách làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm giống Cây Dổi của xã Chí Đạo đã kết nối được khách hàng ở mọi miền đất nước. Hiện nay, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đang trồng Dổi Chí Đạo để phủ xanh đồi, rừng. Cũng nhờ cây dổi mà nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo, vươn làm làm giàu. Thậm chí, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã lập nghiệp và thu tiền tỷ từ cây trồng đặc sản này. Hạt dổi có giá, kéo theo cây giống cũng được giá và thu hút nhiều người mua. Chính vì vậy, vài năm gần đây, nhờ việc ươm, ghép cây và bán Hạt Dổi, nhiều gia đình ở xứ Mường đã xây nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Mục tiêu của huyện Lạc Sơn là đưa Cây Dổi thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân làm giàu, tạo môi trường trong lành giữ đất, giữ rừng. Tương lai không xa sẽ phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để thu hút khách nội địa và quốc tế. Vậy nên, hàng năm huyện Lạc Sơn đều chỉ đạo phát triển diện tích cây dổi tại các đất bãi bằng, đẩy mạnh công tác ươm ghép, tìm các đầu mối để bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là cây ươm và cây ghép. Trải qua bao thăng trầm, Cây Dổi đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho bà con người Mường ở xã Chí Đạo. Một tin vui nữa vừa đến với bà con trồng Dổi là một công ty gia vị của Đức đã đến kiểm nghiệm và nghiên cứu về Hạt Dổi nơi đây. Họ đã và đang xây dựng kế hoạch để đưa Hạt Dổi sang Châu Âu. Nếu kế hoạch hợp tác này thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho bà con trồng Dổi ở đất Lạc Sơn./.