DetailController

Quốc phòng - An ninh

Trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng sâu, vùng xa

20/04/2010 00:00

Nhiều năm nay, ngành Tư pháp  Hoà Bình xác định cần phải làm tốt công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) để nâng cao nhận thức về mọi mặt cho nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

 
Một buổi TGPL tại xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Phó Giám đốc Trung tâm TGPL (thuộc sở Tư pháp) Lưu Văn Thường còn nhớ mãi đợt đi TGPL tại ba xã vùng cao của huyện Lạc Sơn. Anh bảo, giờ nghĩ lại mới thấy “liều”, vì đêm hôm trước có mưa to làm cho con đường từ trung tâm huyện vào xã Tự Do gần như bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng đã hẹn với bà con rồi nên Đoàn công tác vẫn quyết tâm lên đường. Đúng như dự đoán của anh chị em trong đoàn, hơn 100 người dân của ba xã Tự Do, Ngọc Sơn và Ngọc Lâu đã tập trung tại trụ sở xã Tự Do từ bảy rưỡi sáng để đón đoàn “cán bộ của tỉnh” vào làm việc. Nhiều người tỏ ra sốt ruột, có ý trách cứ. Nhưng khi nhìn ai cũng lấm lem bùn đất thì người dân mới hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của đoàn công tác. Mọi người lại “tay bắt mặt mừng” để cùng vào công việc. Nhiệm vụ của đoàn là giải đáp những vướng mắc của bà con trước quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngổ Luông thuộc địa phận ba xã này.

Khu BTTN Ngổ Luông lại bao gồm cả diện tích rừng phòng hộ đã được quy hoạch trước đây và giao cho dân quản lý, bảo vệ (có Sổ đỏ) trong thời hạn 50 năm nên phát sinh tranh chấp giữa người dân với Ban quản lý khu BTTN. Sau khi lắng nghe ý kiến của bà con, cán bộ TGPL nhẹ nhàng giải thích, việc thành lập Khu BTTN là cần thiết, nhằm bảo vệ một số giống thực vật và động vật quý hiếm hiện có ở khu vực này. Tuy nhiên cùng với với việc ra quyết định thành lập Khu BTTN, lẽ ra UBND tỉnh Hòa Bình còn phải ra quyết định thu hồi những diện tích rừng mà người dân đang quản lý, bảo vệ để bàn giao cho Ban quản lý khu BTTN, đồng thời điều chỉnh lại diện tích đất, rừng giao lại cho dân. Nhưng trên thực tế chưa làm được như vậy nên dẫn đến tranh chấp đất, rừng và gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy cùng với việc giải thích để bà con hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của vấn đề, cán bộ TGPL còn dành thời gian làm việc với lãnh đạo của ba xã, tư vấn cho chính quyền xã làm văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền làm thủ tục hợp thức hóa việc thành lập Khu BTTN theo đúng trình tự pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Hiện, việc này đang được các ngành chức năng của tỉnh và huyện Lạc Sơn giải quyết thấu đáo lý tình, an ninh trong khu vực ổn đinh trở lại. Những hộ dân có đất, rừng nằm trong Khu BTTN sẽ được điều chỉnh lại và nhận thêm một phần diện tích đất không có rừng tự nhiên để canh tác.
Hòa Bình hiện có 210 xã, phường, trị trấn với số dân khoảng 800 nghìn người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% và thường sống rải rác tại 79 xã VSVX. Trình độ văn hóa và khả năng nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương này. Vì vậy ngành Tư pháp tỉnh Hòa Bình xác định cần phải làm tốt công tác TGPL để nâng cao nhận thức về mọi mặt cho bà con, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó lấy TGPL lưu động miễn phí làm hoạt động chính của Trung tâm TGPL. Năm 2009 và quý I năm 2010, Trung tâm đã tổ chức gần 100 đợt TGPL lưu động với 140 điểm trợ giúp, qua đó đã tuyên truyền pháp luật cho gần bảy nghìn lượt người, thực hiện tư vấn khoảng 2500 vụ việc. Trong hàng trăm chuyến đi ấy, có không ít lần Đoàn TGPL gặp khó khăn như bữa đi Lạc Sơn. Để đến được các điểm TGPL ở Đồng Nghê, Suối Nánh (Đà Bắc) hay vào Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), anh em trong Đoàn phải đi bộ cả ngày đường rừng với biết bao bất trắc có thể xảy ra. Nhưng nghĩ tới cảnh đồng bào VSVX vẫn còn chịu cảnh “đói cơm, khát chữ và thiếu cả kiến thức pháp luật” là mọi mệt nhọc tan biến, rồi cả Đoàn cùng xốc lại ba lô tiếp tục lên đường đến với bà con. Anh Thường còn cho biết thêm, trước mỗi chuyến đi, Đoàn công tác của Trung tâm thường tổ chức đi tiền trạm làm tốt các khâu chuẩn bị như liên hệ với chính quyền sở tại, đề nghị các Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên trên địa bàn cùng tham gia, có thể chuẩn bị trước câu hỏi và thường tập trung vào thời điểm nông nhàn nên số người được TGPL khá đông. Bình quân mỗi buổi TGPL ở cơ sở có khoảng 100 người tham gia, cán bộ TGPL thường phải trả lời, tư vấn khoảng 40 câu hỏi. Và buổi TGPL chỉ kết thúc khi người dân đã thông hiểu những vấn đề cần tìm hiểu. Nhiều cuộc họp được tổ chức vào buổi tối và kết thúc còn muộn hơn “con gà rừng gáy sáng” nhưng cả khách và chủ đều rất vui, khi mọi vướng mắc của người dân được giải đáp thấu tình đạt lý. Trong các đợt đi TGPL lưu động, anh em trong Đoàn còn phát các tài liệu phổ biến pháp luật cho đồng bào. Tính ra trong năm 2009, Trung tâm TGPL Hòa Bình đã biên soạn, in ấn hơn 150 nghìn “tờ gấp” pháp luật các loại và 240 băng cát-séc phổ biến pháp luật bằng tiêng Mông, tiếng Mường, tiếng Dao để phát tới tận tay người dân thông qua các đợt TGPL lưu động. Nội dung của các tài liệu tuyên truyền tập trung vào các lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như Luật Đất đai; thủ tục khi xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ); các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở VSVX người có công với cách mạng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại tố cáo... Các tài liệu này đã góp phần đưa pháp luật đến với đồng bào VSVX ở Hòa Bình. Qua đó giúp họ tránh được những vi phạm pháp luật không đáng có và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình. Ông Quách Công Bốn là bệnh binh loại 1, ở xóm Lập, xã Lập Chiệng (Kim Bôi) tâm sự, khi con trai ông trúng tuyển vào trường đại học Thái Nguyên cũng là lúc Đoàn cán bộ TGPL của tỉnh về làm việc tại địa phương đã hướng dẫn, giúp gia đình làm các thủ tục cần thiết để cháu hưởng các chế độ ưu tiên như được miễn học phí, được cấp học bổng và vay vốn từ ngân hàng chính sách - xã hội khi có nhu cầu. Gặp chúng tôi, ông Bốn cứ nhắc mãi : “Gia đình tôi biết ơn cán bộ TGPL nhiều lắm. Nhờ các anh mà con tôi mới được học hành thuận lợi như vậy!”.

Giám đốc Sở Tư pháp Quách Đình Minh cho biết, TGPL cho người dân có nhiều hình thức như tư vấn tại văn phòng, cử luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý làm đại diện, bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa...Tuy nhiên đối với đồng bào VSVX thì việc tổ chức đoàn TGPL lưu động miễn phí kết hợp với việc phát tài liệu tuyên truyền như đã nêu ở trên là phù hợp và đạt hiệu quả hơn cả. Ngay từ đầu năm,Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL xây dựng kế hoạch TGPL lưu động cụ thể đến từng địa bàn trong tỉnh. Chương trình, nội dung của mỗi đợt TGPL lưu động đều được thông qua lãnh đạo sở Tư pháp hoặc lãnh đạo Trung tâm. Khi về cơ sở phải có sự tham gia của chính quyền và các tổ chức hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên ở cơ sở. Nhờ đó hoạt động TGPL lưu động cho đồng bào VSVX ở Hòa Bình đã góp phần ổn định an ninh nông thôn, làm cho nghĩa tình dân bản càng thêm gắn bó, được các cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận .

Báo Nhân Dân