Ngày 18/12/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV Về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013; các quy định về quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; phổ biến nội dung Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể đã được giao tại các Kế hoạch, Công văn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại, tăng tỷ lệ sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc.
Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ, xây dựng phát triển các mô hình sản xuất và ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp, hiệu quả với từng cây trồng cụ thể của địa phương; chú trọng trên diện tích sản xuất hàng hóa tập trung.
Tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV theo kế hoạch đã ban hành; tăng cường giám sát các hoạt động quảng cáo, hội thảo thuốc BVTV tại địa phương theo quy định.
Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo yêu cầu.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thuốc bảo vệ thực vật.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ sở đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV, đặc biệt là hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Trong quá trình chỉ đạo sản xuất chú trọng sử dụng thuốc BVTV sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương; quản lý chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng, chứng nhận hợp quy thuốc BVTV tại địa phương theo quy định; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Tham mưu việc đặt hàng nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học (thảo mộc và vi sinh vật), hoàn thiện quy trình để phổ biến trong sản xuất.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh; tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện Đề án, đề xuất những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.
Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học (thảo mộc và vi sinh vật) từ nguồn nguyên liệu bản địa phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn và hữu cơ.
Tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai các đề tài khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm có liên quan đến Đề án từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học địa phương và Trung ương.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình: Thực hiện tốt công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, gian lận thương mại...; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần; tuyên truyền về các mặt hàng, thủ đoạn, cách thức thực hiện hành vi vi phạm mới cũng như kỹ năng lựa chọn sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hội nông dân tỉnh: Vận động, hướng dẫn các tổ chức thành viên và người sản xuất từng bước chuyển mạnh sang sử dụng thuốc BVTV sinh học (thảo mộc và vi sinh vật), thay thế các loại thuốc BVTV hóa học.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn địa phương trong việc tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học và thực hiện các nội dung liên quan.
Trên đây là một số nội dung triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, Ban, Ngành; các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện./.