Theo đó, tỉnh phấn đấu 100% học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có thiết bị (máy tính, máy tính bảng, điện thoại…) đủ điền kiện để học trực tuyến nếu dịch bệnh xảy ra bắt buộc phải triển khai hình thức học trực tuyến. Chương trình được triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả đáp ứng nhu học tập trực tuyến của học sinh năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.
Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính: Tăng cường công tác truyền thông; thống kê, xác định nhu cầu hỗ trợ; tổ chức vận động, tiếp nhận ủng hộ và tổ chức trao tặng; tổ chức, quản lý dạy học trực tuyến hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí hoặc thiết bị học tập trực tuyến, gói dịch vụ viễn thông, phần mềm dạy học, trong đó ưu tiên vùng đang có dịch phải học trực tuyến...để kịp thời giúp đỡ học sinh. Phối hợp hợp với Hội khuyến học tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê số học sinh bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch, đúng đối tượng. Tuyên truyền các hoạt động của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Động viên khích lệ, chia sẻ những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, học sinh, nhà trường đã và đang vượt qua những khó khăn của dịch bệnh Covid-19 để tổ chức dạy tốt, học tốt, bảo đảm “ngừng đến trường, không ngừng học”.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai hỗ trợ phủ sóng 100% các điểm chưa có kết nối Internet di động. Kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số công bố và miễn phí, giảm phí các nền tảng dạy học trực tuyến. Vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia ủng hộ, hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thiết bị, dịch vụ viễn thông để có giá ưu đãi, ủng hộ cho Chương trình. Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, giới thiệu các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp; xây dựng và tổ chức triển khai phương án đảm bảo học sinh tiếp cận với Internet an toàn và lành mạnh, đặc biệt trong giai đoạn tổ chức dạy và học trực tuyến.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê các nhà trường, học sinh có nhu cầu hỗ trợ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy học trực tuyến trên địa bàn. Các Sở, Ban, ngành và các cơ quan, đoàn thể của tỉnh phổ biến nội dung Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, vận động cá nhân và gia đình ủng hộ cho Chương trình bằng các hình thức phù hợp. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Hòa Bình căn cứ tình hình, điều kiện thực tế tại các đơn vị, địa phương để có phương án phát động, ủng hộ đối với Chương trình./.