DetailController

Thời sự trong ngày

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2021-2025

16/09/2022 00:00
Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình OCOP) đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND, ngày 14/9/2022 về Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có khoảng 80 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có khoảng từ 1-3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; triển khai phát triển từ 7-10 các làng (bản) văn hóa du lịch góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá, làng nghề truyền thống. Tập trung vào đa dạng hóa, sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Củng cố, kiện toàn các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP và phát triển mới ít nhất 25 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử; bán hàng qua kênh mạng xã hội...

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp được giao thực hiện Chương trình OCOP và các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh) tham gia thực hiện Chương trình OCOP hàng năm và giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu/phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp tỉnh nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP toàn quốc.

Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 01 địa điểm/cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thành phố Hòa Bình có ít nhất 03 điểm/cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu vực trung tâm.

Theo tiến độ, quý III/2022: Tổ chức triển khai Chương trình OCOP các cấp; hoàn thành phê duyệt, ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; tiếp tục triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hòa Bình theo Quyết định 878/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Hoà Bình. Kiện toàn ban chỉ đạo, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Quý IV/2022: Rà soát các cơ chế, chính sách và tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; Triển khai công tác đào tạo, tập huấn Chương trình OCOP các cấp. Rà soát chuẩn hoá lại các sản phẩm OCOP có công nhận đã hết hạn. Thực hiện Chu trình OCOP thường niên.

Năm 2023-2025: Thực hiện Chu trình OCOP thường niên.

Quý IV/2025: Tổng kết, đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất Chương trình OCOP cho giai đoạn 2026 - 2030./.